Tháng 11, tháng của những tất bật để chuẩn bị cho những ngày cuối năm, cũng là thời điểm cả thế giới từng bừng đón chào những lễ hội độc đáo. Chúng ta hãy cùng dạo quanh một vòng các lễ hội tháng 11 ở Việt Nam và ở các nước trên thế giới để được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống đầy màu sắc nhé
Các lễ hội tháng 11 ở Việt Nam đặc sắc
1. Lễ hội Văn hóa Thổ Cẩm 2020
Trong danh sách các lễ hội tháng 11 năm nay, thì lễ hội đầu tiên chúng ta cần kể đến đó chính là "Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam 2020". Lễ hội sẽ diễn ra từ 24-29.11 tại tỉnh Đắk Nông. Lễ hội năm nay có chủ đề “Lễ hội văn hóa du lịch - Tinh hoa Phương Đông”. Chuỗi hoạt động này sẽ diễn ra ở khu Đảo Nổi, Hồ Gia Nghĩa, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; và tại một số điểm danh lam thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa tỉnh này.
Lễ hội này nhằm tôn vinh vùng đất Đắk Nông vốn ẩn chứa nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu. Đó là lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, các điệu múa dân gian, sử thi Ot N'drông. Đó cũng là dân ca của người M’Nông đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2020.
Ngoài ra, đó còn là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đặc biệt, Đắk Nông còn có văn hóa dệt thổ cẩm. Các hoa văn này được sử dụng trên vải, gỗ, đan lát. Qua thổ cẩm, chúng ta có thể nhận biết được tộc người làm ra nó.
2. Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ Cúng Trăng, một lễ hội truyền thống lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, được diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm (nhằm vào tháng 11 dương lịch năm nay). Lễ hội được tổ chức rộng rãi trên toàn khu vực Nam bộ, nhưng đặc sắc và nhộn nhịp nhất là Sóc Trăng và Trà Vinh– nơi có cộng đồng người Khmer tập trung sinh sống nhiều nhất.
Theo quan niệm của người Khmer, cúng trăng là để tạ ơn thần Mặt Trăng đã ban cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy, trong dịp này, người Khmer thường tập trung tại Ao Bà Om – nơi lễ hội chính diễn ra, để thực hiện các nghi lễ thờ cúng. Tham gia lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào 2 sự kiện nổi bật là đua ghe Ngo và thả đèn gió. Đua ghe Ngo là môn thể thao không thể thiếu trong lễ Ok Om Bok. Ghe Ngo là một dạng thuyền độc mộc, có sức chứa 40 – 60 người. Và đến trưa ngày rằm, người dân đứng tụ tập 2 bên bờ sông cổ vũ cho các đội đua tạo nên một không khí lễ hội rất náo nhiệt, rộn ràng cả một bến sông.
Cùng góp phần mang đến cho lễ hội một màu sắc đặc trưng, trong lễ Ok Om bok, người dân còn thả những chiến đèn gió lên trời đêm, với mong muốn những điều may mắn, những lời cầu nguyện, ước muốn sẽ đến được với Thần Mặt Trăng.
3. Lễ Mừng lúa mới ở Tây Nguyên
Các lễ hội tháng 11 ở nước ta tiếp theo đó chính là Lễ Mừng lúa mới ở Tây Nguyên, theo thông lệ, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, đồng bào J’rai (Gia Lai) lại tổ chức Lễ ăn mừng lúa mới – Hội mùa, vào tháng 11 hàng năm. Đây là dịp để bà con buôn làng tổ chức dâng lễ, tạ ơn thần Lúa, thần Nông nghiệp vì đã cho một vụ mùa ấm no. Ban đầu, lễ mừng lúa chỉ diễn ra trong gia đình nhưng bà con dân làng thường tụ tập lại để cùng chia vui.
Phụ nữ thì nhặt rau, làm cơm lam, đàn ông thì nướng thịt, khiến cho không khí trong làng trở nên nhộn nhịp, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người J’rai. Sau đó, mọi người tụ tập tạ nhà rông để thực hiện các nghi thức thờ cúng quan trọng.
Trong ngày vui này, người dân khắp các buôn làng cùng nhau hòa mình trong những điệu nhảy truyền thống bên cạnh tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, vang vọng cả một góc trời. Được chứng kiến không gian văn hóa lễ Mừng lúa mới đầy màu sắc của người J’rai sẽ là điều may mắn đối với du khách khi đến thăm vùng đất Gia Lai vào thời điểm này. Khám phá vùng đất Tây Nguyên qua chùm tour du lịch Tây Nguyên hấp dẫn.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH TÂY NGUYÊN KHUYẾN MÃI
>> Hà Nội - Pleiku - Buôn Ma Thuột 4N3Đ Bay VietNam Airlines Từ 4.990.000 VNĐ/KHÁCH >> HCM - Buôn Ma Thuột - Tà Đùng 3N3Đ, Xe Ôtô + KS 3* Từ 2.290.000 VNĐ/KHÁCH |
Các lễ hội tháng 11 ở các nước trên thế giới
4. Dia de Los Muertos –Lễ hội người chết ở Mexico
Đi đầu trong danh sách các lễ hội tháng 11 ở các nước trên thế giới, chúng ta phải kể đến Lễ hội người chết ở Mexico. Nghe thật rùng rợn phải không nào? Dù có nét tương đồng như lễ hội Halloween, nhưng Dia de Los Muertos được xem là lễ hội truyền thống lâu đời và mang nét văn hóa độc đáo rất riêng của người Mexico. Vào ngày 2/11 hàng năm, đất nước Mexico lại bước vào lễ hội Dia de Los Muertos – Ngày của những người chết.
Theo thông lệ, vào ngày này, người dân tập trung tại các nghĩa trang để lau chùi, dọn dẹp ngôi mộ của người thân và giành thời gian tưởng nhớ người đã khuất. Sau đó, mọi người sẽ tụ tập lại cùng nhau ăn uống và vui chơi. Dù là ngày giành cho người chết nhưng không khí lễ hội lại rất nhộn nhịp, không gian khắp nơi được trang hoàng rất ấn tượng. Khi đến với lễ hội, người tham gia sẽ mặc những bộ trang phục ma quái như đầu lâu, sọ người và cùng nhau trải qua cảm giác rùng rợn, sợ hãi tương tự như lễ hội hóa trang Halloween.
5. Lễ hội Carnival – Đức
Cũng là lễ hội hóa trang, nhưng lễ hội hóa trang Carnival tại Đức mang nhiều màu sắc sặc sỡ và vui nhộn, hài hước hơn so với lễ hội Halloween. Lễ hội Carnival chính thức khai mạc vào ngày 11/11 và kéo dài đến hết mùa đông với nhiều hoạt động vui chơi giải trí thú vị.
Vào những ngày này, du khách đến Đức sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những màn biểu diễn hóa trang đầy màu sắc với nhiều hình ảnh kỳ quái. Hoặc du khách có thể tự tay chọn cho mình một bộ trang phục tùy ý để hóa trang thành những nhân vật vui nhộn và cùng hòa vào đoàn người diễu hành trên các con phố.
6. Lễ hội Soorya Arts – Ấn Độ
Tháng 11 được xem là tháng của các lễ hội tại Ấn Độ và đặc sắc nhất là lễ hội Soorya Arts kéo dài 111 ngày, từ 21/9 đến 10/1 năm sau. Đây được xem là lễ hội dài nhất thế giới với nhiều hoạt động nổi bật diễn ra. Du khách đến đây vào dịp này có thể tham gia vào những buổi chiếu phim, video hay nhảy múa, vẽ tranh cùng các buổi biển diễn âm nhạc đầy ấn tượng.
7. Lễ hội Karatsu Kunchi – Nhật Bản
Lễ hội tiếp theo trong danh sách các lễ hội tháng 11 của các nước trên thế giới đó chính là lễ hội Karatsu Kunchi, lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm từ ngày 2 – 4/11 tại đền Karatsu – Jinja có lịch sử 400 năm của thành phố Karatsu, với mục đích để tạ ơn thần đền Karatsu đã ban cho người dân những vụ thu hoạch tốt.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, những chiếc thuyền với nhiều hình thù khác nhau liên tục diễu hành qua các con phố. Nhưng nổi bật nhất là hình ảnh những người đàn ông khỏe mạnh kéo những chiếc thuyền đi trên bãi cát diễn ra vào ngày thứ 2. Không gian lễ hội vô cùng náo nhiệt với những tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả đã thu hút sự chú ý của người dân Nhật Bản và toàn thế giới. Ở Nhật Bản vào tháng 11 còn có lễ hội Ohara Matsuri, diễn ra từ ngày 2 - 3/11. Tham gia vào lễ hội này, người dân Nhật Bản và du khách sẽ cùng nhau nhảy múa theo điệu nhạc “Ohara – bushi”.
8. Lễ hội hoa đăng Thái Lan - Loy Krathong
Lễ hội Loy Krathong được tổ chức hàng năm vào đêm rằm tháng 12 theo lịch Thái (vào khoảng tháng 11 dương lịch) trên khắp đất nước Thái Lan. Đây là lễ hội lớn thứ 2, sau lễ hội Songkran và được xem là 1 trong những lễ hội cổ nhất, đẹp nhất, màu sắc nhất, mang nhiều ý nghĩa thần thoại nhất của người Thái Lan.
Trong đêm diễn ra lễ hội, tại các dòng sông, ao hồ, bờ kênh, người dân tụ tập lại để cầu nguyện và thả những chiếc bè mang theo những ngọn nến trôi dọc dòng nước, làm cho khắp đất nước Thái Lan như chìm trong không gian ánh sáng tưng bừng. Thông qua lễ hội này, người Thái mong rằng những chiếc đèn hoa đăng có thể mang theo những rủi ro, tội lỗi của người dân trôi theo dòng nước biến mất. Và đây cũng là dịp để người dân Thái Lan thể hiện lòng kính trọng đối với thủy thần. Tại thủ đô Bangkok, ngoài những trò chơi dân gian, những màn pháo hoa đặc sắc, khắp các đường phố, người dân còn tham gia biểu diễn văn nghệ, đánh trống diễu hành.
Còn ở Chiang Mai, Loy Krathong được tổ chức theo nghi thức thả đèn lồng lên trời, mang theo những phiền muộn của người dân bay mất. Ngoài ra, nếu có dịp du lịch Thái Lan trong tháng 11, du khách còn được tham gia vô số lễ hội truyền thống như: lễ hội Voi Surin (tổ chức vào thứ bảy, tuần thứ 3 của tháng 11), lễ hội rước thuyền rồng Hoàng gia (9/11),…
9. Lễ hội Bun That Luang ở Lào
Đến Lào những ngày đầu tháng 11, du khách sẽ có cơ hội tham gia vào lễ hội mang đậm dấu ấn Phật giáo của người dân Lào - Lễ hội Bun That Luang, nhằm cầu phước để ban đến an lành cho tất cả mọi người. Lễ hội chính thức bắt đầu từ ngày 31/10 đến hết ngày 2/11 (15/12 Phật lịch) và được tổ chức tại chùa That Luang và chùa Si Muong với phần lễ và phần hội.
Phần lễ, người dân thực hiện nghi thức tế tự do chính con người tưởng tượng ra để giao cảm với thần linh và tham gia lễ rước Phí Mương (thần bảo hộ tỉnh) từ Chùa Si Muong đến That Luang. Ở phần hội, mọi người được tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí từ ẩm thực đến văn nghệ, văn hoá, thể thao, mua bán, triển lãm.
10. Lễ hội Té nước, Campuchia
Lễ hội Té nước được tổ chức hàng năm vào tháng 11, kéo dài trong 3 ngày và được xem là lễ hội văn hóa lớn nhất và đặc sắc nhất ở Campuchia, thu hút hàng triệu người đổ về thủ đô Phnom Penh, bên dòng sông Tonle Sap. Trong lễ hội Té nước, người dân tụ tập xem đua thuyền trên sông Tonle Sap và sông Mê Kông với sự tham gia của những đội chèo xuất sắc nhất cả nước.
Ngoài ra, người dân đến với lễ hội còn tham gia cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu, hay đốt pháo hoa, thả đèn hoa đăng khi vừa tối trời. Thông qua lễ hội Té nước, người Khmer muốn bày tỏ niềm tự hào về một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh dân tộc.
Trên đây là danh sách các lễ hội tháng 11 ở nước ta và các nước khác trên thế giới. Nếu chưa biết đi đâu trong tháng 11 này, ngay bây giờ du khách có thể chọn cho mình một trong những lễ hội độc đáo ở trên để khám phá những cảm giác thú vị khi được hòa mình vào dòng người tham gia lễ hội.
https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/cac-le-hoi-thang-11-o-viet-nam-va-cac-nuoc.html
Thái Hà
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/diem-danh-cac-le-hoi-thang-11-o-viet-nam-va-cac-nuoc-tren-the-gioi-a111.html