Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo chính quyền đia phương, Thượng tọa Thích Thanh Viên ủy viên ban kiểm soát Trung Ương – Phó ban trị sự Phật giáo – Trưởng ban kiểm soát Phật giáo tỉnh Hà Nam, Đại Đức Thích Giác Quang phó ban kiểm soát Phật giáo tỉnh Hà Nam cùng đông đảo bà con phật tử trong và ngoài tỉnh.
Chùa Văn Quán thuộc địa bàn vùng sâu của huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ngôi chùa từng là nơi nuôi dưỡng nhiều chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều năm qua do chưa có sư trụ trì nên ngôi chùa khá tiêu điều, vắng vẻ.
Với mong muốn tạo khuôn viên sinh hoạt tín ngưỡng chung cho nhân dân, UBND xã Liêm Sơn cùng bà con phật tử gần xa đã chung tay quyên góp nhân lực, vật lực để tôn tạo, khởi công xây dựng Tổ đường và đúc Đại hồng chung (chuông) cho chùa Văn Quán.
Chủ tịch xã Liêm Sơn Lê Hải Đăng cho rằng, Liêm Sơn là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam với sự đa dạng trong tôn giáo. Ở Liêm Sơn, cộng đồng nhân dân luôn đùm bọc, tương trợ, sống hòa hợp giữa đạo phật và tôn giáo, đây là niềm tự hào của bà con nhân dân và chính quyền nơi đây.
Theo ông Đăng, chùa Văn Quán trước đây từng là nơi hoạt động, hội họp của nhiều bậc tiền bối trong cuộc cách mạng tháng 8 chống Thực dân Pháp. Nhà cách mạng Trần Tiểu Bình đã từng sống và hoạt động tại đây. Ông cũng là một trong những người được phong cấp Tướng đầu tiên và cử đi làm ngoại giao ở Trung Quốc. Nơi đây cũng là nơi tu dưỡng của nhiều bậc lão thành cách mạng, anh hùng liệt sĩ. Xóm Tây Văn Quán đã được nhà nước công nhận và tặng bằng khen ‘xóm có công với nước’.
Việc chung tay đúc chuông, tôn tạo, xây dựng chùa, lan tỏa lời phật dạy, góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử của mảnh đất Văn Quán là việc làm ý nghĩa và nhân văn. Chùa là chốn tâm linh và là công trình trường tồn qua nhiều thế kỷ. Ngôi chùa sau khi trùng tu, tôn tạo và xây dựng sẽ thêm khang trang, sạch đẹp để bà con, phật tử trong và ngoài địa phương hội tụ, vãn cảnh, tĩnh dưỡng, sinh hoạt cộng đồng, góp phần xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, quê hương đẹp giàu, bình an.
“Về chùa Văn Quán cùng nhân dân ôn lại lịch sử để thấy được sự trân quý và niềm tự hào về ngôi chùa đã từng một thời nuôi dấu cán bộ cách mạng. Tôi hy vọng, với những giá trị lịch sử, phong cảnh thanh bình, cùng sự nồng hậu của người dân nơi đây, chùa Văn Quán sẽ trở thành điểm di tích thu hút sư quan tâm của đông đảo du khách, phật tử gần xa” – ông Đăng bày tỏ.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Trưởng thôn Văn Quán chia sẻ, kinh phí đúc Đại hồng chung dự kiến 300 triệu đồng, kinh phí xây nhà tổ đường dự kiến 2 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí này sẽ nhờ vào sự công đức của nhân dân địa phương và phật tử thập phương. Đồng thời, ông Hiệp mong muốn các phật tử, nhà hảo tâm và doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ, góp sức người sức của để việc xây dựng nhà Tổ đường và đức Đại hồng chung được hoàn thiện. Đây là ngôi nhà chung cho những người xa quê hương, phật tử trong và ngoài địa phương hướng tới nhằm thể hiện tình yêu thương của mỗi người đối với đạo phật và trách nhiệm bảo tồn một cơ sở “đã từng nuôi dưỡng cán bộ cách mạng”….
Theo sư cô Thích nữ Phổ Chiếu, những việc làm cho Phật pháp cũng như các công tác xây dựng chùa chiền thì phải thật tỷ mỷ và phải đạt được chất lượng tốt nhất để lưu truyền hậu thế sau này nên chùa đã mời các nghệ nhân có tay nghề cao đến từ Ý Yên (Nam Định) về để đúc Đại hồng chung.
Nguồn: Thuonggiaonline
Huyền Nguyễn
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/chua-van-quan-ha-nam-khoi-cong-xay-to-duong-va-duc-dai-hong-chung-a11857.html