"Vì sao khách Việt đi Nhật đông vào mùa thấp điểm?"

"Vì sao khách Việt đi Nhật đông vào mùa thấp điểm?" là chủ đề bài viết trên Vnexpress. Theo báo này, lượng khách Việt đến Nhật tăng trưởng cao nhất thế giới đầu năm 2023 được lý giải bởi chi phí hợp lý, nhu cầu dồn nén và trải nghiệm đáng giá.

"Vì sao khách Việt đi Nhật đông vào mùa thấp điểm?" là chủ đề bài viết được đông đảo du khách quan tâm. Theo Vnexpress, kinh nghiệm đi du lịch Nhật Bản được Hồ Thị Như Liên (Thừa Thiên Huế) - người vừa có chuyến du lịch Nhật Bản 5 ngày 4 đêm hồi tháng 2, mùa được coi là thấp điểm khi còn hơn một tháng nữa hoa anh đào mới nở rộ (một trong những mùa đẹp nhất trong năm của Nhật Bản) chia sẻ: Tránh mùa hoa anh đào vì khi đó "giá cả đắt đỏ, người chen chúc và dịch vụ quá tải". Với Liên, thiên nhiên Nhật Bản đẹp bất kỳ thời điểm nào trong năm và khung cảnh tuyết trắng cuối đông đầu xuân "đẹp như cổ tích". Sự văn minh, hiện đại của đất nước này cũng là điều hấp dẫn du khách.

Bài viết trên Vnexpress của tác giả Xuân Phương cho thấy du khách Việt rất ưa chuộng đi du lịch Nhật Bản. Cụ thể: Trong vòng một tháng sau Tết, anh Nguyễn Đức Cường, hướng dẫn viên 21 năm kinh nghiệm dẫn tour Nhật Bản, dẫn 4 đoàn khách, mỗi chuyến trung bình 6 ngày 5 đêm. "Khi Nhật mở cửa du lịch, lượng khách Việt tăng so với các năm trước và bùng nổ từ Tết đến nay, khiến chúng tôi đều quá tải", anh Cường nói.

Hồng Liên (Thừa Thiên Huế) đến Nhật cuối tháng 2. Ảnh: Xuân Phương

Hồ Như Liên (Thừa Thiên Huế) đến Nhật cuối tháng 2. Ảnh: Xuân Phương

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Nhật (JNTO), lượng khách Việt đi Nhật đầu năm tăng mạnh so với trước dịch. Tháng 1 có 51.500 người Việt du lịch Nhật, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2019, khiến Việt Nam trở thành nước tăng trưởng cao nhất thế giới trong tháng. Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, các nguồn khách lớn truyền thống, tăng trưởng âm so với 2019.

Đại diện JNTO đánh giá đây là mức tăng trưởng "bất thường và ngoạn mục", chứng tỏ vai trò quan trọng của nguồn khách Việt với du lịch Nhật Bản. Số lượng khách Việt vào mùa cao điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 - mùa hoa anh đào - được dự đoán sẽ tăng cao hơn.

Nhân Phương, phụ trách khu vực phía Nam của JNTO, nhận định lượng khách Việt du lịch Nhật đầu năm bùng nổ bất thường so với trước dịch vì ba nguyên nhân. Thứ nhất, trong dịch các công ty lữ hành, trung tâm xúc tiến du lịch Nhật vẫn liên tục quảng bá điểm đến thông qua hội thảo, nhờ đó duy trì được mối quan hệ giữa du lịch Nhật và khách Việt. Thứ hai, đồng Yên giảm giá tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt chi trả khi đến Nhật. Thứ ba, cuối đông đầu xuân ở Nhật cũng trùng dịp nghỉ Tết ở Việt Nam nên thuận lợi về thời gian.

Trong xu hướng đó, hoạt động của các đơn vị lữ hành outbound chuyên thị trường Nhật đầu năm cũng có nhiều khởi sắc. Anh Hoàng Nghĩa Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch Nhật Bản AZ, cho biết chỉ trong những ngày Tết, cả tour tự túc và trọn gói công ty có tổng cộng 650 khách. "Đây là con số chưa từng có", anh Đạt cho biết và nói thêm số lượng khách đặt trước cho mùa hoa anh đào tiếp tục tăng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, điều hành một đơn vị du lịch ở Nhật Bản, cho hay lượng khách công ty tiếp nhận trong giai đoạn cuối đông đầu xuân năm nay cao gấp 4 lần cùng kỳ các năm trước dịch. Bình thường, sau Tết công việc của chị Châu khá thưa do khách Việt tập trung vào mùa hoa anh đào hoặc lá vàng.

"Có lẽ nhu cầu dồn nén thời gian dài nên bùng nổ", chị Châu nói.

Theo anh Hoàng Nghĩa Đạt, khách du lịch, trong đó có Việt Nam, đổ về Nhật một phần vì chính sách hạn chế du lịch của Trung Quốc, biến động ở châu Âu, chính sách siết chặt visa của Hàn Quốc, khiến du lịch tại các thị trường này hạ nhiệt.

Ngoài ra, sau một thời gian dài không xuất ngoại, người Việt có xu hướng dành tiền tiết kiệm để đến nơi họ đã dự định từ lâu. Nhật Bản là một trong những điểm đến yêu thích của người Việt bởi nhiều yếu tố: cách Hà Nội 4 giờ bay, thiên nhiên đa dạng, văn hóa rõ nét, ẩm thực phong phú, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện đại. Đây cũng là một điểm đến an toàn với an ninh, giao thông thuận tiện.

Đền Naritasan Shinsho-ji ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Xuân Phương

Đền Naritasan Shinsho-ji ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Xuân Phương

Nhật Bản vẫn áp dụng biện pháp phòng dịch đối như du khách phải tiêm đủ ba mũi vaccine hoặc chứng nhận PCR âm tính 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tới Nhật của nhiều người.

Chị Hoàng Thu Hằng (Hà Nội) cho biết "không gặp khó khăn gì" khi tới Nhật và "rất muốn quay lại lần hai cùng gia đình". Chị ngưỡng mộ môi trường sống trong lành và sạch đẹp cùng ý thức của người Nhật trong việc ứng xử nơi công cộng, chấp hành luật giao thông.

Các công ty lữ hành ghi nhận người Việt có xu hướng chọn các hoạt động liên quan đến tuyết như ngắm và trượt tuyết trong giai đoạn này. Vì thế, các điểm đến như làng cổ Shinrakawago, núi Phú Sĩ, Fujiten Snow Resort, Hokkaido là những nơi được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, trải nghiệm ngắm hoa anh đào nở sớm, tắm onsen, thưởng thức ẩm thực cũng được người Việt yêu thích.

Theo anh Đạt, 90% người Việt đi Nhật chọn cung đường và thời điểm mùa lá vàng hay mùa hoa anh đào. Tuy nhiên, những thời điểm này chi phí đắt, quá tải dịch vụ, khách chen chúc. Các thời điểm và tuyến khác cũng đáng để trải nghiệm với chi phí phù hợp túi tiền nhiều người.

"Các tuyến điểm về văn hóa hay tự do trải nghiệm lối sống người Nhật cần được định hướng đến du khách Việt nhiều hơn để đa dạng hóa và thu hút thêm những người muốn tới Nhật nhiều lần, không chỉ vào những mùa cao điểm", anh Đạt cho hay.

 

 
https://vnexpress.net

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/vi-sao-khach-viet-di-nhat-dong-vao-mua-thap-diem-a141366.html