Lạng Sơn gửi thông điệp tới du khách: Hãy đến để "Trải nghiệm và cảm nhận"

Để tạo sức hút mới với du khách, vừa qua ngành Du lịch Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến nhằm mời gọi du khách hãy đến để "Trải nghiệm và cảm nhận".

Lạng Sơn gửi thông điệp tới du khách: Hãy đến để "Trải nghiệm và cảm nhận"

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-1680516636.jpg
Đồng Lâm tựa như một góc Mông Cổ thu nhỏ với khí trời trong lành, tươi mát

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến Du lịch Lạng Sơn “Trải nghiệm và cảm nhận”, đại diện 50 doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế đã khảo sát một số điểm đến tiêu biểu của huyện Hữu Lũng: Làng Du lịch cộng đồng Hữu Liên, danh thắng hồ Đồng Lâm; tham quan, trải nghiệm khu sinh thái dã ngoại Michi Camp, trải nghiệm các hoạt động dã ngoại tại hồ Nong Dùng (xã Hữu Liên); Tham quan, trải nghiệm các vườn cây ăn quả có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp tại xã Yên Thịnh; tham quan tìm hiểu tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng - nơi được ví như “Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới”.

Với thông điệp hãy đến để "Trải nghiệm và cảm nhận", du lịch Lạng Sơn đã tạo cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Sức hút của vị thế chiến lược, cảnh quan độc đáo   

Nét xanh của cây cối, sự bình yên của Thảo nguyên Đồng Lâm được bao bọc bởi núi đá voi to lớn và cánh đồng cỏ xanh mướt... tạo nên bức tranh hữu tình, nên thơ, khiến bất kỳ ai đặt chân đến đây đều muốn hoà vào thiên nhiên đất trời.

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-2-1680517011.jpg
 

Tại khu vực thảo nguyên xanh mát, du khách có cơ hội trải nghiệm dạo bộ, đạp xe tại khu vực trảng cỏ rộng lớn, cắm trại và tổ chức các buổi dã ngoại hấp dẫn bên gia đình, khám phá các hang động huyền bí, sống ảo với những chú ngựa đáng yêu… 

Cách thảo nguyên Đồng Lâm không xa là hồ Nong Dùng – nơi du khách có thể thuê thuyền kayak, thả trôi theo dòng nước xanh trong vắt và sống ảo với những khung hình đẹp như mơ.

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-6-2-1680517217.jpg
 

Một sức hút khác của du lịch Lạng Sơn là Khu sinh thái dã ngoại Michi Camp. Đến đây du khách như bước vào một miền đất mới – nơi chỉ có thiên nhiên ngát xanh với cỏ cây, hồ và thác nước. Michi Camp nằm cạnh hồ Nông Dùng và thác Khe Dầu, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách đến đây. Vì Michi Camp là dịch vụ cắm trại chuyên nghiệp nên du khách không cần chuẩn bị gì cả, chỉ cần “xách balo lên và đi” về đây là được. Đặc biệt, đường sá dễ đi nên bạn hoàn toàn có thể đi ô tô đến đây. 

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-3-2-1680517156.jpg
"Trải nghiệm và cảm nhận" về cảnh sắc núi rừng Đông Bắc

Theo ca sĩ Dương Tùng Nhân, Michi Camp có phần giống thảo nguyên Đồng Lâm. Những thảm cỏ xanh nhấp nhô trải dài ra tận hồ nước trong xanh. Xa xa là những rặng núi thấp phủ đầy cây cỏ xanh rì, khung cảnh nơi đây tựa như một góc Mông Cổ thu nhỏ với khí trời trong lành, tươi mát. Phải chăng thiên nhiên đã vô cùng ưu ái cho mảnh đất Hữu Lũng, Lạng Sơn. Du khách có thể trải nghiệm tại Michi Camp với thời lượng 2 ngày 1 đêm là vừa đủ để ngắm cảnh, đi dạo, vui chơi và tận hưởng không khí mát mẻ, lãng mạn lúc đêm về trên thảo nguyên xinh đẹp này. 

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn cho biết, ở đây còn có dịch vụ trekking xuyên rừng. Du khách có cơ hội đi xuyên rừng đặc dụng Hữu Liên – nơi có địa hình phức tạp gồm suối, thác, hồ nước. Đặc biệt, tắm suối và check in ở thác Khe Dầu hay leo núi thể thao... là trải nghiệm tuyệt vời mà du khách nhất định phải thử một lần.

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-2-1680517246.jpg
Leo núi tại Hữu Liên - môn thể thao được giới trẻ ưa thích

Bên cạnh những điểm du lịch đẹp, thơ mộng, kể trên không thể không kể đến Khu di tích lịch sử Chi Lăng với những dấu ấn quân sự rất đáng tự hào. Từ những “lợi thế” về thời gian, không gian, Khu di tích lịch sử Chi Lăng thực sự là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nhiều chuyên gia đều chung nhận định, nếu biết liên kết các điểm di tích thành một “tour khép kín”, quần thể di tích Chi Lăng sẽ có sức hút lớn với du khách.

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1-1680517347.jpg
Giới thiệu về Chi Lăng

Được biết, để xây dựng thương hiệu Khu di tích lịch sử Chi Lăng là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, tỉnh Lạng Sơn đã lập “Đề án Xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu “Xây dựng Khu Di tích thành không gian giáo dục truyền thống - lịch sử - văn hóa - tâm linh tiêu biểu của tỉnh, có quy mô, ý nghĩa chiến thắng của dân tộc Việt Nam, kết hợp xây dựng thành điểm du lịch có tính chất trung tâm, động lực của tỉnh Lạng Sơn kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực.

... đến sự "bất tận" của "Mỹ vị nhân gian"

Thật không ngoa khi nói đến văn hóa ẩm thực của Lạng Sơn với cụm từ "Sự bất tận của Mỹ vị nhân gian". Bên cạnh những sản vật như Na, Quýt, bánh chưng đen, xôi ngũ sắc, cá suối, ... nơi đây còn nổi tiếng với món Vịt quay trứ danh - một trong những đặc sản mang đậm bản sắc của núi rừng Đông Bắc. Món ăn trở nên đặc biệt, hấp dẫn du khách gần xa nhờ cách chế biến cầu kỳ cùng công thức nước chấm riêng độc đáo. 

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-dulichvn-7-2-1680517412.jpg
Vịt quay Thất Khê Lạng Sơn có hương vị đậm đà khó quên (Ảnh: Sưu tầm)

Vịt quay Lạng Sơn được ví như “linh hồn” của nền ẩm thực xứ Lạng. Món vịt quay đặc sản Lạng Sơn được chế biến từ loại vịt bầu tại thị trấn Thất Khê và được ướp cùng lá mắc mật thơm lừng. Vịt quay được quét một lớp mật ong trước khi đem nướng trên than hoa. Vịt sau đó tiếp tục được nhúng vào chảo mỡ đảo đi đảo lại rồi để nguội, nhờ vậy cho nên thịt vịt có màu sắc bắt mắt, chắc và thấm màu mật ong. Lớp mỡ chảy béo ngậy hòa quyện với lớp da giòn rụm và miếng thịt ngọt lịm dễ dàng làm “đổ gục” mọi thực khách. Sự kết hợp hài hòa này tạo ra một món ăn vô cùng thơm ngon, tròn vị. Đến Lạng Sơn, du khách không thể không thưởng thức món vịt quay nóng hổi, vàng ươm, thơm lừng và đậm đà khó quên này. 

Đầu xuân đến với vùng quê xứ Lạng ngoài đặc sản cải ngồng, vịt quay, măng ớt mắc mật, bánh cuốn trứng, bánh mì nướng… mà không thưởng thức món bánh chưng đen đậm đà hương vị đặc trưng thì thật đáng tiếc. Không chỉ gây ấn tượng với màu đen lạ mắt, bánh chưng đen của người Tày ở Lạng Sơn còn "được lòng" thực khách gần xa bởi hương vị lạ miệng, đậm đà qua quá trình chế biến kỳ công. Bánh chưng đen là kết tinh của sự khéo léo, công phu, tinh tế hàng đầu trong số các loại bánh ở Việt Nam. 

lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-dien-dan-du-lich-1-dulichvn-1680517547.jpeg
Bánh chưng đen của người Tày ở Lạng Sơn còn "được lòng" thực khách gần xa bởi hương vị lạ miệng, đậm đà qua quá trình chế biến kỳ công

Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong, thảo quả… Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao. Thưởng thức miếng bánh toát lên hương vị đặc biệt của nếp nương, thịt lợn, vị ngọt của nhân đỗ xanh, vị lạ của cây rừng... Đó thực sự là dư vị không thể nào quên. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường. Bánh chưng đen ở Bắc Sơn là nức tiếng nhất xứ Lạng, được nhiều du khách hỏi và mua vì có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy và khiến không ít người phải tò mò.

Để có bánh chưng đen, khâu chuẩn bị rất công phu và không hề đơn giản, cần đến sự khéo léo, tinh tế. Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh… đều đặc biệt vì mang đậm phong vị vùng cao. Cũng bởi vậy mà khi chọn vợ, người dân Bắc Sơn thường để ý đến những cô gái biết làm nên chiếc bánh tròn trịa, quánh đặc và đậm đà… Và, ở Lạng Sơn, bánh chưng đen cũng là món đặc sản để trai xứ Lạng ... "chọn vợ".

 

Năm 2022, du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổng lượng khách du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ, ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách, đạt 101,16% so với kế hoạch, tăng 115,66% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 2.100 tỷ đồng, đạt 80,77% so với kế hoạch, tăng 171,67% so với cùng kỳ. Có thể khẳng định, du lịch Lạng Sơn đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và sẽ tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay: Hạn chế của du lịch Lạng Sơn chính là việc phát huy các tiềm năng, sản phẩm đã có, xây dựng sản phẩm đặc thù và đào tạo nguồn nhân lực, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp… để tạo cho Lạng Sơn thành điểm đến được du khách biết đến nhiều hơn.

Thông tin tại Hội nghị xúc tiến du lịch Lạng Sơn “Trải nghiệm và cảm nhận”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên bày tỏ: Du lịch Lạng Sơn đã có bước phát triển cả về lượng khách, doanh thu và phát triển các sản phẩm du lịch. Công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch được thực hiện thường xuyên; tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư từ đó đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, trong đó có những tập đoàn có kinh nghiệm và tiềm lực lớn như Sungroup, Vingroup, Sovico….; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; thị trường du lịch được mở rộng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch được từng bước được nâng cao; sản phẩm du lịch phát triển với một số loại hình du lịch đặc trưng (du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng,...) có sức cạnh tranh cao, dần khẳng định thương hiệu và hình ảnh du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phát triển du lịch ở Lạng Sơn vẫn còn nhiều hạn chế như việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch để tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng; đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao; sự phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa theo kịp xu thế hội nhập và phát triển hiện nay và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Với vai trò là đơn vị đầu tàu, định hướng phát triển của ngành Du lịch, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho rằng, vấn đề đầu tiên trong phát triển du lịch là sản phẩm. Du lịch Việt Nam cần làm mới lại sản phẩm đã có, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của các thị trường khách, kể cả thị trường nội địa và quốc tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự quan tâm đầu tư của hệ thống chính trị các cấp, sự chủ động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Chất lượng dịch vụ, lực lượng lao động, nguồn nhân lực du lịch... cũng là những vấn đề cần được quan tâm. Riêng đối với Lạng Sơn, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương khẳng định, “cần quan tâm hơn vấn đề liên kết với các địa phương, liên kết giữa các doanh nghiệp trên hệ thống dịch vụ của mình với các doanh nghiệp để đưa khách đến”.

Để du lịch Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Hội nghị du lịch toàn quốc ngày 15/3/2023 - “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định: Lạng Sơn cũng đã có những định hướng chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, Lạng Sơn sẽ tiếp tục khai thác các lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Xuân Huyên tin tưởng với các cơ chế, chính sách của tỉnh hướng về cộng đồng doanh nghiệp, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp lớn trong, ngoài tỉnh, du lịch Lạng Sơn sẽ có bước chuyển mình, khẳng định được thương hiệu du lịch của tỉnh. Đồng thời, ông Huyên cũng đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch tỉnh, các sở ngành tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng; củng cố và mở rộng các tuyến tham quan du lịch trên cơ sở phát huy tài nguyên du lịch của địa phương. Đặc biệt, ông Huyên cũng mong muốn Tổng cục Du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác để đưa du lịch Lạng Sơn có những bước phát triển mới.

 

 

 

 

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/lang-son-gui-thong-diep-toi-du-khach-hay-den-de-trai-nghiem-va-cam-nhan-a145736.html