Ba năm xử phạt 540 tỷ đồng các công trình sai phạm xây dựng

Trên https://www.tienphong.vn/dia-oc/ba-nam-xu-phat-540-ty-dong-cac-cong-trinh-sai-pham-xay-dung-1770665.tpo, Ngọc Mai đã thông tin: Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, từ năm 2018 đến ngày 15/12/2020, các đơn vị chức năng ngành xây dựng đã kiểm tra và lập hồ sơ xử lý hơn 18 nghìn trường hợp, xử phạt 12,1 nghìn trường hợp với tổng số tiền trên 540 tỷ đồng.

Sáng ngày 25/12, tại TP.HCM, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị “Tọa đàm và tổng kết thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng”.

Ba năm xử phạt 540 tỷ đồng các công trình sai phạm xây dựng - Ảnh 1.
 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, theo phản ánh của các địa phương, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 139 đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn. Tổng hợp sơ bộ có 7 nhóm vướng mắc. Trong đó, đáng chú ý, Nghị định 139 không quy định mức phạt theo tỷ lệ hoặc mức độ sai phạm dẫn đến bất cập trong xử lý; Việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Chánh Thanh tra Sở trên thực tế rất khó khăn do không đủ nhân lực và chi phí.

Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc thực hiện Nghị định tại địa bàn còn nhiều vấn đề khó khăn. Cụ thể, trên địa bàn TPHCM xuất hiện một số trường hợp người dân xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (có quy mô, diện tích lớn), tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư tự ý ngăn chia thành nhiều phòng thành chung cư mini hoặc phân thành nhiều căn nhà để kinh doanh. “Nếu không có quy định chặt chẽ, loại hình này sẽ tiếp tục phát triển, làm phá vỡ quy hoạch do tăng mật độ dân cư cục bộ”, ông Nam nêu.

“Nghị định 139 không quy định xử lý công trình không phép hoặc xử lý công trình xây dựng sai nội dung so với giấy phép được cấp ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, địa bàn chúng tôi là huyện ngoại thành, đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó, câu hỏi đặt ra là những khu vực chưa có quy hoạch đô thị thì mình xem nó là nông thôn hay đô thị?” – Ông Lê Hữu Hiệp, Đội Trưởng Đội Thanh tra địa bàn huyện Hóc Môn, TPHCM thắc mắc.

Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đây là việc cấp bách, bởi, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, đến nay Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành.

Xoay quanh các nhóm vướng mắc của địa phương, ông Lê Văn Lãng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - phụ trách phía Nam tổng kết có 5 nhóm kiến nghị, gồm: Kiến nghị liên quan đến quy định chung (về mức độ xử phạt, khung xử phạt, xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt…); Kiến nghị liên quan đến quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng; Kiến nghị liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; Kiến nghị liên quan đến quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm, quy trình xử lý vi phạm hành chính; Kiến nghị liên quan đến các quy định cần được nghiên cứu, lấy ý kiến thảo luận tại hội nghị.

“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội nghị để lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các hiệp hội…Dự kiến khoảng cuối quý I năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ báo cáo lên Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, thực hiện theo đúng trình tự quy định xây dựng văn bản vi phạm pháp luật của Bộ và các quy định của Bộ Tư pháp”, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.

 

 

 

Ngọc Mai

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/ba-nam-xu-phat-540-ty-dong-cac-cong-trinh-sai-pham-xay-dung-a1490.html