Hà Nội có 7 dự án đường vành đai giai đoạn 2021-2025

Hà Nội có 7 dự án đường vành đai giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, Thành phố sẽ xây tiếp các đoạn còn lại của vành đai 1; 2; 2,5; 3 và 3,5; riêng vành đai 4, 5 do Bộ Giao thông vận tải thực hiện.

ha-noi-co-7-du-an-duong-vanh-dai-giai-doan-2021-2025-1609751285.jpg
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đang được chạy thử nghiệm

Thông tin được đăng tải trên trang chinhphu.vn cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa báo cáo Thành ủy Hà Nội danh mục công trình giao thông quan trọng giai đoạn 2021-2025, trong đó có 7 công trình đường vành đai.

Cụ thể, Thành phố sẽ xây tiếp các đoạn còn lại của vành đai 1; 2; 2,5; 3 và 3,5; riêng vành đai 4, 5 do Bộ Giao thông vận tải thực hiện.

Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2,27 km, tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đang triển khai bằng nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.

Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng phần từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.

Vành đai 2,5 sẽ triển khai tiếp 3 đoạn để khép kín gồm: Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng đến Dương Đình Nghệ dài 720 m, đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng dài 580 m và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng dài gần 1.900 m, tổng đầu tư trên 7.300 tỷ đồng.

Vành đai 3 gồm 2 đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài dài 9,8 km và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh dài 5 km, tổng đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.

Vành đai 3,5 gồm 2 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 dài 3,8km và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8 km, tổng đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng.

Các tuyến vành đai 4 và vành đai 5 đi qua Hà Nội sẽ do Bộ Giao thông vận tải triển khai.

Sở Giao thông vận tải cũng nêu 5 công trình giảm thiểu ùn tắc giao thông là đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3; đường Lê Quang Đạo kéo dài; mở rộng phố Nguyễn Phong Sắc đoạn từ phố Nghĩa Tân đến đường Hoàng Quốc Việt; đường 70 cũ đoạn từ cầu Đen đến giao với đường Phúc La; đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông và đoạn Hà Đông - Văn Điển.

Cùng với việc đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động, Thành phố cũng đã có quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, bao gồm: Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; dài khoảng 38,7 km. Tuyến số 2: Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình; dài 35,2 km. Tuyến số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 21 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây; tổng chiều dài dự kiến 48 km. Tuyến số 4: Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh; dài 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5. Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; dài 39 km. Tuyến số 6: Nội Bài - khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội; dài 43 km. Tuyến số 7: Mê Linh - đô thị mới phía Tây Nhổn - Vân Canh - Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội; dài khoảng 35 km. Tuyến số 8: Cổ Nhuế - vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá; dài khoảng 28 km.

 

 

Theo chinhphu.vn

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/ha-noi-co-7-du-an-duong-vanh-dai-giai-doan-2021-2025-a1583.html