Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I (thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư sau thuế là 42.022 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 27.100 tỷ đồng sẽ được Ngân hàng Vietcombank cấp tín dụng vượt khung để thực hiện.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện được kỳ vọng “sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dịch vụ…”. Đặc biệt, “khi đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 1.200 tỉ đồng mỗi năm, nhà máy còn giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, nhất là lao động có trình độ cao vào làm việc ổn định lâu dài tại nhà máy. Riêng trong giai đoạn đầu tư xây dựng, vào thời gian cao điểm, có hơn 3.000 lao động xây dựng trên công trường, đồng thời, thu hút hàng ngàn lao động khác trong các lĩnh vực dịch vụ, vật liệu xây dựng, vận chuyển…” – thông tin trong bài Vietcombank được cấp tín dụng vượt khung cho EVN thực hiện dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I trên kinhtemoitruong.vn ngày 20/5 nêu.
Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam thông tin trên kinhtemoitruong.vn, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu suất khử bụi tới 99,74%. Về phát thải khí, nhà máy sẽ áp dụng công nghệ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat là thành phần sẵn có trong nước biển; Việc sử dụng than bitum nhập khẩu có đặc tính cháy kiệt. Tro này có thể làm vật liệu xây dựng các đập nước thủy điện...
Còn “Theo Ban Quản lý dự án Điện 2, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn USC với lò hơi kiểu trực lưu, đốt than phun (PC) trực tiếp, tua-bin kiểu ngưng hơi truyền thống với thông số hơi đầu vào trên siêu tới hạn: Áp suất hơi chính 26.9 Mpa; Nhiệt độ hơi chính 600 độ C, nhiệt độ hơi tái sấy 610 độ C. Đây là công nghệ tiên tiến và thông số nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay và được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn châu Âu, nên nồng độ các chất trong khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước và bộ tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB)”.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 8/5 trang bnews.vn có thông tin ADB sẽ dừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện. Bài viết nêu: “Theo dự thảo chính sách năng lượng công bố ngày 7/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ dừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện - nguồn cung cấp năng lượng quan trọng ở các nước đang phát triển”.
Cụ thể, ADB cho biết, chính sách cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở các quốc gia nghèo nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng “không còn phù hợp” với quan điểm chung của toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt, “Ngân hàng có trụ sở ở Manila (Philippines) nêu rõ than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận năng lượng phục vụ phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng chưa giải quyết được thách thức về tiếp cận năng lượng; Bên cạnh đó, việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch còn gây hại cho môi trường và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu” – Bnews.vn thông tin.
Không chỉ có vậy, trên doanhnhantrevietnam.vn còn phân tích những rủ ro có thể xảy ra đối với Vietcombank khi cấp tín dụng vượt khung cho dự án Nhiệt điện Quảng trạch I.
Cụ thể, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hang cho rằng, với việc một dự án nguồn điện đầu tiên của EVN được thu xếp 100% vốn vay từ ngân hàng trong nước và không có bảo lãnh của Chính phủ, đặc biệt lại là nhiệt điện than, ở góc độ kinh tế vĩ mô, nếu các ngân hàng tiếp tục “đổ” tiền vào các dự án nhiệt điện than sẽ đe dọa đến rủi ro của hệ thống tài chính. Đối với Vietcombank, khi ngân hàng này “bơm” vốn “khủng” cho EVN sẽ phải đối diện với rủi ro chiến lược. Doanhnhantrevietnam cho hay, “nếu một ngân hàng muốn vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam buộc phải áp dụng các thông lệ quốc tế, tức doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), như khi bỏ vốn đầu tư không được gây rủi ro về môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống người dân… Theo đánh giá của Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên WWF, việc tuân thủ tiêu chuẩn ESG tại các ngân hàng thương mại Việt Nam còn rất thấp so với các ngân hàng trong khu vực ASEAN. Như vậy đến khi nào ngân hàng Việt Nam mới có thể trở thành tầm cỡ khu vực?”, ông Hòe đặt vấn đề”.
Huyền Anh
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/dau-tu-vao-du-an-nhiet-dien-quang-trach-i-vietcombank-se-phai-doi-dien-voi-nhieu-rui-ro-a18348.html