Các bác sĩ cho biết nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn mạch máu nuôi tim. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, có thói quen hút thuốc lá, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân đang dần trẻ hóa. Chưa kể, người trẻ là những người thường rất chủ quan với bệnh nhồi máu cơ tim nên càng dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Bệnh nhân nam H.P. (24 tuổi, Long An) có tiền sử thường xuyên hút thuốc lá 10 điếu/ngày, chưa có bệnh lý mạn tính. Khoảng một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên đau ngực trái vào buổi sáng, cơn đau khoảng 15 phút rồi tự hết.
Trước nhập viện một ngày bệnh nhân đột ngột đau ngực trái dữ dội, đau lan ra cánh tay trái. Kết quả chụp mạch vành (mạch máu nuôi tim), hẹp nặng nhánh liên thất trước kèm nhiều huyết khối. Các bác sĩ đã đặt stent cấp cứu và tình trạng bệnh nhân ổn định.
Trường hợp khác, bệnh nhân N.T. (30 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi kèm khó thở, huyết áp thấp. Bệnh nhân được cấp cứu tại phòng thông tim với kết quả tắc nhánh liên thất trước từ lỗ, huyết khối nhiều. Sau khi tái thông mạch máu bằng stent, bệnh nhân giảm đau ngực rất nhanh, huyết áp ổn định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho hay thông thường mỗi ngày con người phải ngủ trong một thời gian nhất định để các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, đặc biệt là hệ thần kinh.
Thời gian ngủ sẽ phụ thuộc theo từng người, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo đối với những người 30 - 40 tuổi cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, có thể ngủ một giấc ngắn buổi trưa khoảng 20 - 30 phút. Lưu ý, không nên ngủ trưa quá lâu bởi sẽ dễ rơi vào ngủ sâu, gây mệt mỏi sau khi thức giấc.
"Khi thiếu ngủ sẽ gây ra tình trạng căng thẳng, lo lắng, stress... do hệ thần kinh không được nghỉ ngơi và quá tải khiến hệ thần kinh thực vật bị rối loạn.
Hệ thần kinh thực vật rất quan trọng trong việc co bóp của các mạch máu và tim được nhịp nhàng, đều đặn. Khi hệ thần kinh thực vật bị rối loạn dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp tăng... và làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh liên quan đến tim mạch.
Bên cạnh đó, khi ngủ ít, đặc biệt thức khuya, thời điểm này cơ thể tiết ra các hormone kích thích thèm ăn, dẫn tới ăn uống nhiều gây rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì.
Tuy nhiên, quan trọng nhất khi ngủ không đủ sẽ gây ra quá tải các gốc tự do, hay còn gọi là tình trạng stress oxy hóa. Tình trạng này sẽ gây ra hàng loạt vấn đề, gây tăng tình trạng đề kháng với insulin, có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, thiếu ngủ còn làm tăng viêm tại các mô trên cơ thể, từ đó có thể làm cho mạch máu dễ bị xơ vữa, lão hóa nhanh hơn, có thể tăng mỡ máu. Cuối cùng sẽ dẫn đến hệ quả gây xơ vữa mạch máu, gây tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành và rất nhiều những hệ quả khác.
Thậm chí việc thiếu ngủ còn tạo ra một vòng xoáy bệnh lý. Khi thiếu ngủ sẽ dẫn đến đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu... và khi gặp những vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây khó ngủ, thiếu ngủ", bác sĩ Hoàng nêu rõ.
Thiếu ngủ làm giảm đáp ứng miễn dịch
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 - cho hay khi thức khuya kéo dài, cơ thể sẽ phản ứng lại vào buổi sáng hôm sau như sau: cảm thấy buồn ngủ, ngáp liên tục, mệt mỏi hoặc thiếu tỉnh táo, dễ cáu gắt, hay quên và dễ mất tập trung.
Bên cạnh hậu quả dễ dàng nhận biết trên, thiếu ngủ làm giảm đi đáp ứng miễn dịch khiến cho những người thiếu ngủ dễ mắc bệnh hơn và cũng lâu khỏi bệnh hơn.
Đặc biệt, khi thức khuya nhu cầu năng lượng trong ngày sẽ gia tăng, khiến dễ đói, lựa chọn thức ăn nhiều năng lượng hơn để bổ sung, làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Người thiếu ngủ sẽ dễ bị béo phì hơn và tăng nguy cơ đái tháo đường, nhất là tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như đột quỵ.
Làm gì để có trái tim khỏe mạnh?
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo các bạn trẻ để có một trái tim khỏe mạnh không nên hút thuốc lá, ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp và dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
Chú ý khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung. Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.
Kiểm soát stress ra sao?
Theo bác sĩ Hoàng, đối với tình trạng mất ngủ, người bệnh có thể ăn các thực phẩm giàu tryptophan giúp cơ thể sản sinh ra serotonin và melatonin. Ví dụ như gạo lứt, lạc, đậu nành và các loại đậu, các loại hạt, cá và các loại thịt trắng, các sản phẩm từ sữa, trứng gà, chuối; sô cô la...
Kiểm soát stress, thư giãn. Tăng cường vận động nhẹ nhàng, tập thiền, yoga, bơi, đạp xe... Đồng thời, cần điều trị các bệnh gây ảnh hưởng giấc ngủ: thiếu máu não, phì đại tiền liệt tuyến, viêm loét dạ dày tá tràng, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống...
Cần ngủ đủ
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho hay một người thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc kéo dài, về lâu dài sẽ tác động xấu đến nhiều cơ quan trên cơ thể, trong đó kể đến đầu tiên là tim mạch, não bộ.
"Thức - ngủ là phản xạ tự nhiên của con người, lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày. Khi có giấc ngủ tốt thì hệ nội tiết mới hoạt động đều, nếu không sẽ làm rối loạn vận động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim mạch như làm hồi hộp, nhịp tim đập nhanh, thậm chí thúc đẩy nhanh quá trình bệnh lý ở tim như xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim...", bác sĩ Hoài Nam phân tích.
Vậy thời gian ngủ ở mỗi người bao nhiêu là đủ và khung giờ nào đi ngủ là hợp lý? Bác sĩ Hoài Nam cho hay tùy theo lứa tuổi mà có khoảng thời gian ngủ khác nhau.
Ví dụ như trẻ em thì cần thời gian ngủ nhiều hơn thức, ngược lại người cao tuổi thì thời gian thức nhiều hơn ngủ. Còn người trưởng thành phải đảm bảo tổng thời gian ngủ cả ban đêm và ngủ trưa từ 7 - 8 tiếng đồng hồ/ngày. Nên ngủ trước 23h, tốt nhất vào khung giờ 21-22h.
Hàng loạt nguyên nhân gây mất ngủ
Theo bác sĩ Hoàng, biểu hiện của rối loạn giấc ngủ là khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại, thức giấc quá sớm (trước 5h sáng) và nặng hơn là cả đêm không ngủ.
"Trong đó, có rất nhiều nguyên nhân mất ngủ, đối với người trẻ thường là do căng thẳng, stress; rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn thần kinh thực vật; do mắc các bệnh lý hoặc do thói quen sinh hoạt, sử dụng chất kích thích, rượu bia; phòng ngủ ở nơi quá ồn ào, những người hay làm ca đêm...
Mất ngủ được chia làm hai loại: mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính. Rối loạn giấc ngủ ít hơn một tháng thì gọi là rối loạn giấc ngủ cấp tính. Khi kéo dài hơn một tháng thì gọi là rối loạn giấc ngủ mạn tính.
Khi tình trạng này kéo dài, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm việc cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Hiện nay, các phương pháp điều trị mất ngủ đều dựa trên nguyên tắc là làm tăng lượng serotonin và melatonin trong cơ thể. Có thể sử dụng một số loại thực phẩm chức năng, qua thực phẩm ăn uống, thói quen sinh hoạt...", bác sĩ Hoàng nói.
Cũng không ngủ quá nhiều. Một số nghiên cứu cho thấy ngủ quá nhiều thì sẽ tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường và béo phì, đau đầu và đau lưng hơn so với người ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, người ngủ quá nhiều dễ mắc bệnh tim mạch hơn và một số bệnh lý tâm thần như trầm cảm.
Để có thể ngon giấc, chúng ta có thể thực hiện "vệ sinh giấc ngủ", đây là những việc đơn giản mà mỗi người có thể thực hiện tại nhà.
Trước khi ngủ, nên tạo môi trường ngủ yên lặng, tối và mát mẻ khoảng 25oC, giường ngủ và gối phải thoải mái nhất có thể cho việc đi ngủ; tránh kiểm tra giờ khi đang ngủ vào ban đêm.
Đặc biệt cần hạn chế uống rượu bia gần thời điểm lên giường đi ngủ; hạn chế uống cà phê, sử dụng chất kích thích, nước tăng lực. Đặc biệt, cần tránh sử dụng các thiết bị tạo nên ánh sáng như laptop hay điện thoại di động trước khi đi ngủ.
Thu Hiến
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/nguoi-tre-thieu-ngu-de-mac-benh-tim-mach-a187632.html