'Hội nghị Quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số' đã khai mạc sáng 17/6. Hội nghị do Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ (khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả rập, châu Mỹ - Latinh) và các chuyên gia hàng đầu của nhiều tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội tốt để cập nhật tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, đặc biệt trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực. Đồng thời chia sẻ các xu hướng về xây dựng chính sách, giải pháp về công nghệ để ứng phó với xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; kinh nghiệm, triển khai hợp tác trong quản lý, thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.
Với 34 chủ đề và 50 bài tham luận đến từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA), Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn quốc tế, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Liên minh Dịch vụ trung gian Trực tuyến quốc tế, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc (CISAC)… sẽ tập trung vào các nội dung: Giới thiệu về hệ thống thực thi quyền tác giả của các quốc gia; giá trị của bản quyền và sự đóng góp của các ngành công nghiệp sáng tạo cho nền kinh tế; các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến và các mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền; sự phát triển quốc tế trong thực thi và quản lý trực tuyến; thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến; thu thập, bảo quản bằng chứng, cách tiếp cận cân bằng để thực thi bản quyền và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền; các hoạt động chống vi phạm bản quyền do KCOPA (Hệ thống giám sát vi phạm bản quyền Hàn Quốc) thực hiện...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hồ An Phong cho biết: Sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... Sáng tạo nội dung số từng bước khẳng định vai trò, vị thế, được đánh giá là mảnh đất mới đầy tiềm năng cho doanh nghiệp, nhà sản xuất nội dung, tổ chức, cá nhân và nhãn hàng trên thế giới. Tuy nhiên, "sân chơi" này cũng đặt ra "bài toán" về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số trên toàn cầu chứ không riêng ở thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kịp thời.
"Việt Nam hiện đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một yếu tố để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia. Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng cường năng lực quản lý và thực thi bảo hộ bản quyền, phát triển công nghiệp văn hóa đã được xác định tại Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030...", Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thị quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ là công cụ hữu ích giúp cho công tác quản lý thực thi hiệu quả hơn. Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng; các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu...
"Để chống xâm phạm bản quyền - bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền... Các chủ thể quyền chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả", bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Việt Nam hiện đang triển khai nghiên cứu về việc gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh về bảo hộ cuộc biểu diễn nghe nhìn và tích cực tham gia các phiên thảo luận của Ủy ban thường trực về bản quyền của WIPO (SCCR) để đóng góp vào các Dự thảo văn kiện pháp lý quốc tế về bản quyền trong khuôn khổ các Chương trình nghị sự của WIPO. Đây cũng là những hành động cụ thể, góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về bản quyền tại Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện...
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội có được từ việc gia nhập các điều ước quốc tế về bản quyền, trong đó có 2 Hiệp ước WCT, WPPT cũng như đáp ứng nhu cầu nội tại trong nước thì Việt Nam phải từng bước nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền, nhất là trên môi trường số.
"Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia", ông Hồ An Phong khẳng định.
Vai trò và trách nhiệm của các bên trung gian; sự phát triển của án lệ bản quyền - luật giải quyết tranh chấp của WTO; thiệt hại trong các trường hợp vi phạm bản quyền; các biện pháp biên giới; tố tụng hình sự - tội phạm bản quyền trên Internet và thu thập bằng chứng kỹ thuật số; tố tụng hình sự - thu được từ tội phạm và tịch thu tài sản; cơ quan tư pháp chuyên ngành;
Giải quyết tranh chấp; thực thi bản quyền và các hiệp định thương mại; những thách thức mới nổi và tương lai trong việc thực thi bản quyền; các hoạt động nâng cao nhận thức của WIPO và làm việc với các cơ quan tư pháp; vai trò của các tổ chức quản lý tập thể trong thực thi bản quyền; hợp tác công - tư để chống vi phạm bản quyền trực tuyến, quan hệ đối tác công - tư và hợp tác giữa chủ sở hữu quyền...
Điều phối thực thi bản quyền: hợp tác giữa các cơ quan; kinh nghiệm quốc gia: những thách thức và cơ hội để thực thi hiệu quả bản quyền, vai trò của lệnh cấm hiệu quả trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến, những thách thức và cơ hội để thực thi bản quyền hiệu quả, giáo dục bản quyền và nhận thức cộng đồng.
Cùng với đó trong khuôn khổ tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi Bản quyền, một số hoạt động bên lề Hội nghị được tổ chức nhằm giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời là cơ hội để các khách mời quốc tế tham dự có thời gian trao đổi, tăng cường gắn kết giữa các quốc gia.
Thứ trưởng Hồ An Phong nói thêm, Hội nghị này sẽ là cơ hội tốt để chúng ta có thể cập nhật thêm tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, đặc biệt trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực; chia sẻ các xu hướng về xây dựng chính sách, các giải pháp về công nghệ để đối phó với những xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và triển khai những chương trình hợp tác trong hoạt động quản lý và thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/hoi-nghi-quoc-te-ve-thuc-thi-ban-quyen-tren-moi-truong-so-se-ban-thao-34-chu-de-a190289.html