Cần phát triển nông nghiệp thông minh, hướng tới đột phá từ công nghệ 5.0

Ngày 23/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Nông nghiệp 2024 - Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0".

 "Diễn đàn Nông nghiệp 2024 - Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0"

can-phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-huong-toi-dot-pha-tu-cong-nghe-50-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1721749565.jpg
Các chuyên gia tại "Diễn đàn Nông nghiệp 2024 - Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp

Các chuyên gia tại Diễn đàn nhận định, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị về kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và đã có những mô hình đột phá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chúng ta đã tiếp cận nhiều thành tựu công nghệ nhưng vận dụng, áp dụng thế nào để mang lại hiệu quả và liên kết sản xuất thế nào để đầu tư công nghệ hợp lý là bài toán khó.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới... Trong đó, ngành nông nghiệp vẫn xác định vai trò vô cùng quan trọng của khoa học và công nghệ, coi đây là động lực then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Có thể thấy, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, tạo đà xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ 4.0 đang là nền tảng. Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

can-phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-huong-toi-dot-pha-tu-cong-nghe-50-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-1721749565.jpg
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: "Trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa".

"Bên cạnh đó, để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng cách mạng công nghiệp 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan. Ứng dụng KHCN và Đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các Doanh nghiệp Nông nghiệp và các Tổ chức, Doanh nghiệp Khoa học công nghệ. Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn và Bền vững. 

Chính vì vậy, việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các Doanh nghiệp Nông nghiệp và các Tổ chức Doanh nghiệp Khoa học công nghệ phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp" – Phó Chủ tịch cho biết.

Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: "Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ năm 2020, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy kết nối doanh nghiệp ngành nông nghiệp, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới".

can-phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-huong-toi-dot-pha-tu-cong-nghe-50-dien-dan-du-lich-dulichvn-3-1721749565.jpg
Khách mời trình bày ý kiến tại diễn đàn

Các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại Diễn đàn đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất những giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0; trong đó đề xuất một số giải pháp cụ thể sau: Cần tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trạng trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp. 

Cần lựa chọn và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong những năm tới như: Kết nối thiết bị cảm biến IoT để điều khiển tự động, cải thiện và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nhà kính; sử dụng đồng bộ công nghệ đèn LED để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của hoa; nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng điện mặt trời; ứng dụng công nghệ robot; công nghệ quản lý tài chính; thiết bị bay không người lái để thu thập, phân tích dữ liệu và khuyến nghị các biện pháp phòng, chống dịch hạ, cảnh báo thời tiết…

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh; Mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ, cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, nhưng hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ từ nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, robot cho thực phẩm an toàn, phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản.

 

 

 

Việt Trung

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/can-phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-huong-toi-dot-pha-tu-cong-nghe-50-a194907.html