Theo mục Nhịp cầu bạn đọc trên tạp chí Người Cao Tuổi (ngaymoionline) thì con trai bà Võ Thị Cẩm Linh là Huỳnh Tấn Trung khi chớm bước vào tuổi 23 đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian tạm giam bắt đầu từ ngày 29/5/2021 đến nay (tháng 7/2024), khi đã bước sang tuổi 27, Huỳnh Tấn Trung vẫn bị tạm giam. Tuổi hai mươi của con trai bà Linh đang trôi qua trong trại tạm giam với tương lai mờ mịt, không biết đến bao giờ mới được về nhà?
Nỗi niềm âu lo, cay đắng của người mẹ đang nhìn tuổi thanh xuân của con trai trôi qua trong mòn mỏi khiến nhiều người tò mò, muốn biết về câu chuyện của bà, cũng như câu chuyện của người thanh niên ấy. Anh đã có hành vi như thế nào, đã bị khởi tố ra sao, truy tố từ thời điểm nào... Lý do nào khiến cuộc điều tra kéo dài hơn 4 năm, tạm giam người thanh niên ấy hơn 3 năm, liên quan tới tội danh “Cố ý gây thương tích”,...
Thông tin từ bài đăng trên ngaymoionline, người mẹ ấy chia sẻ rằng: Ngày 24/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Củ Chi ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 237 về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 24/5/2021, Cơ quan này tiếp tục ban hành Quyết định khởi tố bị can số 237 ngày 24/5/2021, để khởi tố con trai bà là Huỳnh Tấn Trung (sinh năm 1998; hộ khẩu thường trú: Phước Hưng, Phước Thạnh, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3, Điều 134, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngay sau khi có Quyết định khởi tố bị can, con trai bà là Huỳnh Tấn Trung đã bị tạm giam. Thời hạn tạm giam bắt đầu từ ngày 29/5/2021. Đến nay, sau 03 năm 02 tháng, con vẫn bị giam giữ. Thời gian tạm giam quá lâu đã và đang tước bỏ và hạn chế nhiều cơ bản của con, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại... Con trai bị tạm giam, chồng bà là Huỳnh Văn Thanh cũng bị khởi tố về tội danh tương tự (nhưng được cho tại ngoại), bà Linh đang ngày đêm bị dày vò bởi những xì xào, ý kiến và sự xa lánh của bà con lối xóm. Cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn từ năm 2020 đến nay trong liên tiếp những tăm tối mà chưa thấy ánh sáng.
Xuyên suốt nội dung đơn thư gửi các cơ quan báo chí, người mẹ ấy đau đáu với câu hỏi: “Con tôi bị tạm giam để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3, Điều 134, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) những 03 năm 02 tháng mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến người làm mẹ như tôi thắc mắc rằng, tại sao với tội danh “Cố ý gây thương tích”, mà phải tạm giam lâu đến vậy? Điều tra vụ việc cố ý gây thương tích tốn nhiều thời gian vậy sao?
Hơn nữa, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Củ Chi không có căn cứ xác định con tôi là Huỳnh Tấn Trung phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố. Từ năm 2020 đến nay, vẫn chỉ là điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”. Việc kéo dài thời hạn điều tra, kéo dài thời gian tạm giam con tôi là Huỳnh Tấn Trung chỉ xoay quanh điều tra, gia hạn điều tra, điều tra bổ sung về tội “Cố ý gây thương tích” là có dấu hiệu không bình thường, thể hiện sự lúng túng trong điều tra.
Người mẹ ấy cũng nhấn mạnh trong đơn: Ngay từ thời điểm mới bị tạm giam, con trai tôi là Huỳnh Tấn Trung đã liên tục kêu oan. Khi vợ chồng tôi gặp con trong trại tạm giam, con cũng kêu oan. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, do là người nông dân thuần túy, tôi thiếu kiến thức hiểu biết pháp luật, nên không tìm hiểu về tất cả các nhân chứng, vật chứng, không biết cách thu thập được các chứng cứ gỡ tội cho con tôi.
Thậm chí, gia đình còn không được cung cấp hồ sơ vụ án. Bà Linh và người thân chỉ chứng kiến và lắng nghe tại các phiên tòa, qua đó, nắm được một số nguyên nhân khiến vụ án cứ đưa ra xét xử lại bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, đó là: Vật chứng không có dấu vân tay của bị cáo Huỳnh Tấn Trung; lời khai của các nhân chứng tại tòa không đồng nhất; có nhân chứng thấy bị cáo Huỳnh Tấn Trung không có mặt tại hiện trường; những người khai tận mắt chứng kiến bị cáo Trung gây ra, thì lời khai mâu thuẫn, lời khai không trùng khớp và sai với chứng nhận thương tích, nhân chứng đưa ra lời chứng buộc tội Huỳnh Tấn Trung vốn có mâu thuẫn với gia đình bị cáo (từng kiện cáo gia đình Trung ra xã), do đó, việc làm chứng không khách quan, điều này cơ quan Cảnh sát điều tra lẫn Viện Kiểm sát đều chưa lưu tâm...
Người mẹ ấy khẩn thiết đề nghị rằng, khi giải quyết vụ án này, hãy xem xét theo hướng: Chứng cứ đến đâu, xử lý đến đó. Nếu chưa xác định được chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm. “Nếu đã hết thời hạn điều tra, thậm chí có dấu hiệu quá hạn điều tra (khi điều tra kéo dài 3 năm 2 tháng) mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi không chứng minh được con trai tôi là Huỳnh Tấn Trung đã thực hiện tội phạm như thế nào, thì cơ quan điều tra cần ra quyết định đình chỉ điều tra theo điểm b, khoản 1, Điều 230 Bộ luật TTHS 2015”.
“Nếu tiếp tục không chứng minh được một cách thuyết phục việc “có sự việc phạm tội”, không chứng minh được hành vi của con trai tôi cấu thành tội phạm, đề nghị các cơ quan Tư pháp của huyện Củ Chi ghi nhận và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội - đây là một nguyên tắc cơ bản Bộ luật Hình sự và Bộ luật TTHS của nước ta. Đề nghị thả ngay con trai tôi là Huỳnh Tấn Trung, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con tôi. Đồng thời, tạo một môi trường minh bạch, công bằng trong đấu tranh, xử lý tội phạm, khơi mạch niềm tin của nhân dân vào Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”, bà Võ Thị Cẩm Linh nêu trong đơn.
Đặc biệt, gần cuối đơn kêu cứu, bà Linh có nhắc đến việc làm oan người vô tội cũng như bỏ lọt tội phạm đều để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với xã hội. Do đó, muốn khắc phục cả hai hiện tượng trên, trong vụ việc khởi tố con trai bà là Huỳnh Tấn Trung về tội “Cố ý gây thương tích”, bà Linh mong các nhà báo hãy cùng lên tiếng trước Công luận, để các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Củ Chi phải thực thi công vụ trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”; không để bỏ lọt tội phạm và không được làm oan người vô tội.
“Nếu tiếp tục không chứng minh được một cách thuyết phục việc “có sự việc phạm tội”, không chứng minh được hành vi của con trai tôi cấu thành tội phạm, đề nghị các cơ quan Tư pháp của huyện Củ Chi ghi nhận và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội - đây là một nguyên tắc cơ bản BLHS và Bộ luật TTHS của nước ta. Đề nghị thả con trai tôi, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con tôi”, bà Linh viết trong đơn.
Với nỗi lòng của bà Võ Thị Cẩm Linh - người mẹ có con bị tạm giam tới hơn 3 năm mà chưa xác định được rõ tội danh, chưa biết khi nào được trở về nhà khiến những người làm mẹ cũng cảm thấy sót xa. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những mong mỏi khẩn thiết của gia đình bà Linh; sớm công khai, minh bạch các căn cứ, trình tự, thủ tục luật định trong quá trình xử lý vụ án hình sự liên quan đến bị can Huỳnh Tấn Trung và vụ án hình sự khởi tố theo Quyết định số 237 ngày 24/7/2020.
Nên chăng cũng cần xem xét việc tạm giam bị can Huỳnh Tấn Trung thời điểm này có còn cần thiết hay không, khi qua hơn 3 năm, ý nghĩa của việc “ngăn chặn tội phạm và hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội” đã không còn… Và cũng nên xem xét, nhìn nhận về dấu hiệu “bất thường” trong việc tạm giam bị can Huỳnh Tấn Trung 03 năm 02 tháng và tiếp tục tạm giam, chưa biết bao giờ dừng lại; xem xét có hay không yếu tố oan sai hay bỏ lọt tội phạm trong vụ việc này.
Nguồn: ngaymoionline ; đơn kêu cứu của bà Linh, Quyết định trả hồ sơ vụ án điều tra bổ sung lần 3...
lifestyle
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/noi-niem-cua-nguoi-me-cu-chi-co-con-bi-tam-giam-hon-3-nam-a196405.html