Lần đầu tiên Việt Nam có đề án ‘Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng’
Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp lương thực mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Từ đó, tạo ra một lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp bền vững, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt của chúng ta. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn.
Trước đó từ ngày 25/6, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị, đưa ra hiện trạng và giải pháp về đất trồng trọt. Lúc đó, có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế được thảo luận, vai trò của Sở NN-PTNT địa phương và các cơ quan ở địa phương là rất quan trọng trong vấn đề sức khỏe đất.
Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp cùng các chuyên gia thực hiện Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng”.
Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của Đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ Thực vật Việt Nam chia sẻ, mục tiêu của Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là bảo vệ cây trồng và năng suất, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, từ đó bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, xây dựng đề án về nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là cần thiết và phù hợp với mục tiêu toàn cầu.
Tuy nhiên, về mục tiêu cụ thể của đề án, cần lồng ghép giữa hoàn thiện quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng hiệu quả. Như vậy, mục tiêu này sẽ thống nhất thành một hệ thống, từ đó tránh lãng phí nguồn lực và triển khai một cách đồng đều, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Tuất cũng đề nghị Việt Nam xem xét kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Ví dụ, chương trình “Cây trồng thông minh” ở Indonesia cung cấp phần mềm hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh, quản lý nước hiệu quả và sử dụng giống cây trồng chịu hạn.
Ngoài ra, phần mềm này còn số hóa thông tin thời tiết và phân tích các chất dinh dưỡng cần thiết cho từng loại cây trồng, từ đó đưa ra các khuyến cáo để người dân có thể canh tác có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tuất ví dụ, Indonesia cho thấy, bên cạnh quy chuẩn chung, đề án cần quản lý sức khỏe và dinh dưỡng đất theo từng loại cây. Ngoài ra, cần đưa ra các biện pháp, lựa chọn để người trồng có thể áp dụng cách phù hợp nhất; đồng thời vẫn đảm bảo hài hòa giữa canh tác phát thải thấp và đa dạng vi sinh vật trong đất.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là xây dựng lộ trình riêng hỗ trợ phục hồi cho các nhóm cây mà đất cằn và xấu nhất. Ngoài ra, tiếp tục giữ dinh dưỡng đất trồng cho các loại cây có giá trị xuất khẩu lớn tại Việt Nam.
Việt Hoàng
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-de-an-nang-cao-suc-khoe-dat-va-quan-ly-dinh-duong-cay-trong-a204276.html