Ngành nông sản Việt ‘bứt tốc’ trong 6 tháng đầu năm 2025

Bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn thể hiện sức bật đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2025. Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, đại diện cơ quan này cho biết tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong nửa đầu năm đạt 33,84 tỷ USD – con số cao nhất từ trước đến nay cho cùng kỳ.

Ngành nông sản Việt ‘bứt tốc’ trong 6 tháng đầu năm 2025

nganh-nong-san-viet-but-toc-trong-6-thang-dau-nam-2025-dien-dan-du-lich-va-doi-song-1751575032.jpg
Họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Ảnh: Hà Anh).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch đạt gần 34 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, thủy sản và gỗ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra triển vọng khả quan cho nửa cuối năm.

Không chỉ tăng về lượng, thị trường tiêu thụ hàng nông sản Việt cũng đang ngày càng rộng mở. Ngoài các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, hàng Việt đã thâm nhập mạnh vào các thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin. Đáng chú ý, xuất khẩu sang châu Âu tăng tới 46,3%, còn khu vực châu Phi ghi nhận mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự đa dạng hóa thị trường không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào một số đối tác lớn mà còn góp phần ổn định xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu và chính sách nhập khẩu tại nhiều quốc gia thay đổi liên tục. 

Ngoài cà phê, hàng loạt mặt hàng nông sản khác cũng có bước tiến tích cực. Hạt tiêu, dù sụt giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng tới hơn 35% về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh. Cao su và hạt điều tuy có sự điều chỉnh về sản lượng, nhưng vẫn tăng trưởng tốt nhờ kiểm soát tốt chất lượng và duy trì giá ổn định.

Đặc biệt, ngành thủy sản từng đối mặt với nhiều khó khăn vào năm trước, đã có cú lội ngược dòng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng gần 17%. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Brazil đều tăng nhu cầu nhập khẩu, cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ ràng sau thời gian suy giảm.

Một điểm đáng chú ý nữa là sự xuất hiện của những thị trường mới nổi, góp phần đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm Việt. Gạo Việt Nam, chẳng hạn, đã có mặt tại các quốc gia như Bangladesh, Bờ Biển Ngà hay Ghana với tốc độ tăng trưởng mạnh. Dù giá gạo trung bình có giảm so với năm trước, sản lượng xuất khẩu vẫn đạt gần 5 triệu tấn – con số cho thấy sức cạnh tranh vẫn duy trì tốt.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, điểm tích cực trong kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 là sự chuyển biến về chất trong cách thức tiếp cận thị trường của các ngành hàng. Thay vì chỉ chạy theo sản lượng, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững để tiếp cận thị trường khó tính.

“Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng cao, đã vươn lên đạt 8,21 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này đến từ cả thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, và từ các thị trường ngách như Tây Ban Nha, nơi mức tăng lên tới 55%.

Ngành lâm nghiệp nói chung cũng ghi nhận tín hiệu tích cực với diện tích rừng trồng mới tăng gần 19% và sản lượng gỗ khai thác tăng 9%, cho thấy tiềm năng lâu dài của ngành chế biến gỗ khi được đầu tư bài bản”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thông tin.

Ngoài ra, một số mặt hàng như rau quả và gạo có điều chỉnh nhẹ do biến động giá cả, tuy nhiên, điểm tích cực là giá trị bình quân xuất khẩu các mặt hàng này vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước. Đây là kết quả của chiến lược chuyển hướng sang thị trường có giá trị cao, đồng thời tăng cường chế biến sâu và kiểm soát chất lượng.

Bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm mang đến không ít kỳ vọng cho 6 tháng cuối năm 2025. Dù còn nhiều yếu tố khó lường như diễn biến thời tiết, biến động giá thế giới hay rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, nhưng nền tảng tích cực đã được thiết lập.

“Những con số tăng trưởng không chỉ phản ánh sức sản xuất, mà còn cho thấy nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình xuất khẩu – từ số lượng sang chất lượng, từ lệ thuộc sang chủ động,” ông Phùng Đức Tiến nhận định.

Thời điểm hiện tại, yêu cầu đặt ra là tiếp tục duy trì chất lượng, ổn định nguồn cung, tăng cường xúc tiến thương mại, và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường mới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và xã hội, sẽ là yếu tố then chốt để giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Với đà xuất khẩu hiện nay, nông sản Việt không chỉ “ra khơi” với số lượng lớn hơn mà còn đang tiến tới những vùng biển xa hơn, “khó tính” hơn nhưng cũng đầy tiềm năng. Nửa đầu năm 2025 có thể xem là bước đệm quan trọng để ngành nông nghiệp Việt Nam tự tin hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững, hiệu quả và có chiều sâu trong thời gian tới.

BOX: Trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm, cà phê tiếp tục là điểm sáng rực rỡ nhất. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,45 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước tới nay cho cùng giai đoạn nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh so với năm ngoái. Đây là minh chứng rõ rệt cho việc sản phẩm Việt Nam không chỉ giữ được chỗ đứng mà còn nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế.

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/nganh-nong-san-viet-but-toc-trong-6-thang-dau-nam-2025-a234372.html