Nhận định này được Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội Phạm Hồng Long nêu ra trong tham luận tại Hội thảo liên quốc gia về “Du lịch cộng đồng - Nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận thị trường - Trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thái Lan”.
Hội thảo vừa được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) phối hợp với Quỹ Toyota tổ chức tại Hà nội. Đông đảo các chuyên gia trong nước, quốc tế cùng các doanh nghiệp du lịch tham dự. Hội thảo nhằm hướng đến việc nâng cao năng lực cho những đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng thông qua chia sẻ những thành công điển hình, tạo nền tảng nâng cao năng lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường.
Theo bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc CSIP, du lịch cộng đồng ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên phát triển chưa đồng đều, thống nhất giữa các địa phương. Trong hai năm 2019 và 2020, được sự hỗ trợ của Quỹ Toyota (Nhật Bản), CSIP đã nâng cao năng lực cho các đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng. Những kinh nghiệm từ dự án đã thúc đẩy quá trình vận động chính sách và các đối tác trong việc tạo dựng một môi trường thuận lợi nhằm phát triển du lịch cộng đồng, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương ở cả hai nước.
Tại hội thảo, với 2 phiên gồm: Trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng; Marketing cho du lịch cộng đồng và Du lịch cộng đồng trong và sau ảnh hưởng của COVID-19, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng kết các hoạt động và kết quả đã đạt được của Dự án và cùng thảo luận, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, tiến tới thúc đẩy sự phát triển bền vững của Du lịch cộng đồng.
Trong tham luận của mình, Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, phát triển DLCĐ có nhiều khó khăn, thách thức, mà thách thức lớn nhất đó là “phát triển quá nhanh” và “quá nóng”. Dó đó, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của DLCĐ, tư duy khi làm du lịch cộng đồng không chỉ suy diễn logic và suy luận quy nạp, mà cần hướng tới tư duy sáng tạo.
Luận giải cho nhận định của mình, ông Long cho hay, DLCĐ là loại hình du lịch mang yếu tố bền vững; là loại hình Du lịch giúp cho cộng đồng chuyển đổi từ hình thức “nâu” sang “xanh”. DLCĐ giúp cho người dân cải thiện mức sống, xóa đói giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương, khu vực. “Nông thôn, Văn hóa và Nét sinh hoạt của Việt Nam có những giá trị đáng tự hào trên thế giới. Phát triển DLCĐ là phải phát huy được các tài nguyên du lịch này một cách đa chiều, đa lớp để phát triển dịch vụ sao cho du lịch cộng đồng = Du lịch “về nhà”.
Tức là phải tạo được cho du khách cảm giác “về nhà” trong mỗi chuyến đi. Nơi trở về trong du lịch “về nhà” là nơi tạo được cảm giác thân thuộc của quê hương. Ở đó chúng ta có thể gặp gỡ với những người mà sau đó mình mong muốn được gặp lại lần nữa – ô Long nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, để tiếp cận và phát triển thị trường cho du lịch cộng đồng cần phải giải quyết được 7 vấn đề cơ bản. Cụ thể, về chính sách phát triển, cần hỗ trợ các thủ tục quản lý, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, chính sách đầu tư hạ tầng…; Tránh trùng lặp sản phẩm, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hoàn chỉnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ; Tạo bản sắc phù hợp với địa phương điểm đến, liên kết tương trợ giữa các địa phương trong bối cảnh COVID-19; Làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa người dân và doanh nghiệp lữ hành, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm; Các tổ chức và chuyên gia về du lịch cộng đồng cần cung cấp đào tạo các kỹ năng về dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực cho cộng đồng. Đặc biệt là công tác cải tạo, vận hành và quảng bá các mô hình DLCĐ, các hoạt động marketing, đánh giá năng lực… Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối các địa phương nhằm nâng cao nhận thức về loại hình du lịch này cho cộng đồng địa phương.
Được biết, Hội thảo là một phần của Dự án “Du lịch cộng đồng - Nâng cao năng lực quản trị và tiếp cân thị trường - trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thái Lan”. Dự án được thực hiện đồng thời tại 2 nước Việt Nam và Thái Lan với đơn vị triển khai dự án tại Việt Nam là CSIP và Sapa O Chau; tại Thái Lan là Change Fusion và Local Alike. Trong khuôn khổ dự án, 37 đại diện cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng của hai nước đã tham gia hai chuyến học tập tại Việt Nam và Thái Lan.
Cùng với đó, dự án góp phần xây dựng kiến thức chung về du lịch cộng đồng thông qua việc tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hai nước, đồng thời biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn làm du lịch cộng đồng chung của Việt Nam và Thái Lan, và 02 tài liệu trường hợp điển hình về du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối các cụm du lịch cộng đồng ở hai nước với thị trường trong khu vực cũng được diễn ra thông qua các nền tảng trực tuyến.
Đoàn Hoa
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/lam-du-lich-cong-dong-can-huong-toi-tu-duy-sang-tao-a2889.html