Giữ gìn và phát triển nền âm nhạc dân gian của ông bà xa xưa để lại là nhiệm vụ hết sức quan trọng của thế hệ trẻ chúng ta hôm nay và mai sau. Trung thu năm 2021, các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước đang phải cùng gia đình gồng mình chống giặc Corona. Cũng bởi vậy, đêm hội trăng rằm tưng bừng tiếng trống, tiếng múa ca rộn ràng cùng những chiếc đèn ông sao, các hoạt động văn hóa văn nghệ không thể diễn ra náo nức vui vẻ như mọi năm. Đó là thiệt thòi mà các em nhỏ phải trải qua. Làm thế nào để mùa trăng tháng 8 đặc biệt này không trôi qua lặng lẽ là trăn trở của nhiều người lớn, trong đó có nhà thơ Ngọc Lê Ninh.
Lần giở trong "gia tài" của mình, nhà thơ Ngọc Lê Ninh phát hiện ra một tác phẩm mình viết ra từ năm 1987, anh nghĩ ngay đến việc "nhuận sắc" lại nó cho phù hợp với không khí Tết Trung thu có từ ngàn đời nay trong tâm thức người Việt.
Trên tiết tấu âm nhạc rộn ràng, tươi vui của làn điệu trống quân, video ca nhạc sẽ đưa người nghe qua mùa thu trong hương vị, màu sắc của các loại quả. Tham gia góp mặt trong MV này có nghệ sĩ Quang Tèo, Đại Mý, Ngọc Lê Ninh... 2 giọng ca thể hiện tác phẩm là nghệ sĩ Nhật Linh, Thu Dương. Chỉ huy nghệ thuật là nhạc sĩ Thao Giang.
Bài thơ cũng như tác phẩm âm nhạc dân gian này như một món quà đặc biệt vừa tươi vui ngộ nghĩnh lại đậm yếu tố cổ truyền để mọi người vui tết Trung thu trong mùa dịch bệnh Covid-19.
Trong bài thơ "Quả thơ" nhiều người cho rằng bài thơ viết dành tặng cho trẻ em nhưng điều đó chỉ đúng có một phần. Nếu quan sát, ngẫm thật kỹ, chúng ta sẽ thấy bài thơ viết danh cho cả trẻ em người lớn và người già. Cái độc đáo trong bài thơ này là nghệ thuật sử dụng phép nhân cách hóa, phương pháp ẩn dụ, ví von, làm giàu thi ảnh, đặc biệt là nghệ thuật đối nghịch (đố kỵ) trong câu thơ lục và bát gây cho trẻ em kể cả người lớn tính tò mò, sáng tạo, trí tưởng tượng cao, tính hài hước, khả năng liên tưởng đến đời sống của xã hội hàng ngày vì vậy sẽ gây cho trẻ em rất thích thú khi đọc.
Thông qua các nghệ thuật câu chữ, bài thơ đã mô tả một bức tranh xã hội vô cùng sinh động, hiện thực vốn dĩ đã tồn tại từ xưa đến nay. Mỗi loại quả được ví von đặc trưng cho một nhân vật trong đời sống xã hội đương đại. Toàn bội nội dung bài thơ có tác dụng giáo dục trẻ nhỏ rất cao thông qua từng tính cách của nhân vật hay từng loại quả. Bài thơ sau khoảng 30 năm ngủ quên đã được Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc VN- Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Viện chiến lược Điện ảnh VN cùng tác giả bài thơ xây dựng thành công MV “Quả thơ” được đông đảo quần chúng yêu thích.
Nhà Lý luận, phê bình Bùi Việt Thắng rất tâm đắc bài thơ này và ví nó là mang phong vị dân gian, như là một thứ “đồng dao hiện đại”. Ông dành cho bài thơ những lời rất trân trọng: "Tôi và nhiều người thích bài "Quả thơ". Tôi muốn nói đến sự quan sát tỷ mỉ, đã đành, nhưng cao hơn là tinh tế về tự nhiên tạo vật “Vườn thu thủ thỉ tiếng thơ/ Ả Na nghếch mắt lẳng lơ nhìn đời/ Hồng em má dậy bồi hồi/Mấy cậu Ổi chín đứng ngồi chẳng yên/Thị buồn vàng nhạt cái duyên/Xác xơ phận Mít truân chuyên trái mùa... "Quả thơ" quả nhiên là một “cẩm nang tự nhiên” về bốn mùa hoa trái trên đất Việt.
MV “Quả thơ” là một tác phẩm mang ý nghĩa trong việc bảo tồn, khôi phục, duy trì, phát triển nền âm nhạc dân gian Việt Nam vốn đang bị mai mọt, bị chèn ép, lấn át bởi các dòng nhạc hiện đại, thị trường...
Dịp Trung thu cổ truyền, chúng ta càng trân quý các anh chị em văn nghệ sỹ và tác giả Ngọc Lê Ninh đã dâng tặng cho mọi người một "mâm cỗ đầy quả thơ" đậm tính dân gian để trẻ em và mọi người vẫn được phá cỗ theo hình thức online trong những ngày rằm giữa mùa đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp này.
Nguồn MV "Quả thơ"
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/thi-si-ngoc-le-ninh-bay-mam-qua-moi-pha-co-dip-trung-thu-a39909.html