Mới đây, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt”, đồng thời ra mắt Dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám”.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, hướng tới mục tiêu phục hồi và phát triển trong thời kỳ bình thường mới, Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ có sự thay đổi cả về hình ảnh cũng như cách thức hoạt động và cách tiếp cận công chúng nhằm phát huy và nâng cao những giá trị đặc biệt của khu di sản. Theo đó, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ có nhiều hoạt động hướng tới giới trẻ trong thời kỳ bình thường mới nhằm giúp nâng cao hiểu biết về giá trị cốt lõi của di sản.
Cụ thể, trong thời gian tới, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử sẽ số hóa toàn bộ di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng. Trang Fanpage và Instagram Không gian văn hóa Quốc Tử Giám đã được lập ra nhằm quảng bá cho các sự kiện cũng như cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam thời kỳ trung đại tới người đọc một cách có hệ thống, dễ hiểu, gần gũi và thú vị nhất.
Ông Kiêu cũng khẳng định, sẽ đổi mới hình ảnh của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, để di tích không chỉ còn là nơi để du khách đến tham quan, dâng hương đơn thuần mà sẽ trở thành địa điểm diễn ra nhiều hoạt động lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, là nơi trưng bày các sản phẩm sáng tạo, truyền cảm hứng cho sự sáng tạo. Ông cũng tiết lộ, Trung tâm đã chuẩn bị nhiều phương án về nhân lực và vật lực, trong đó chú trọng vào phát triển công nghệ nhằm quảng bá, phát huy giá trị di tích cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch, các hoạt động để phục vụ khách tham quan ngay trong giai đoạn hậu giãn cách.
Cố vấn hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám Trương Quốc Toàn nhìn nhận, Dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” sẽ góp phần đưa hình ảnh của di tích trở nên gần gũi hơn với đời sống và văn hóa của con người hiện đại. Thay vì phục vụ mang tính đại chúng cho đoàn 40-50 người thì cần đưa ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhiều nhu cầu, trình độ khác nhau nhằm hướng tới tăng tính trải nghiệm. "Làm di tích phải có tư duy mới nhằm “phá bỏ tường rào” trong không gian số, chủ động đưa giá trị di sản đến với người xem chứ không chờ người xem tìm đến. Chúng ta phải làm sao để khách đến 1 lần rồi mong muốn được quay trở lại nhiều lần nữa" – ông Toàn khẳng định.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám không chỉ là nơi các sỹ tử cầu đỗ đạt hay đơn giản du khách tới tham quan mà nơi đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam - nơi đào tạo anh tài của đất nước, và còn có Quốc Tử Giám. Do đó, bà Hoàng Đoan Trang, đại diện Gavisto Diplomat cho rằng, dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” sẽ hướng tới kết nối những người trẻ đến với không gian di sản thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi, thú vị, giúp các bạn trẻ khơi dậy tình yêu với lịch sử, văn hóa của đất nước. Để rồi từ đó cùng chung tay bảo tồn, kế thừa những giá trị đáng quý của di sản.
Bên cạnh đó, dự án còn tái hiện lại các hoạt động giảng dạy và học tập tại không gian Quốc Tử Giám, giúp đưa di tích trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa gần gũi, sống động và bổ ích với mọi đối tượng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nguồn: Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/van-mieu-quoc-tu-giam-chu-dong-dua-gia-tri-di-san-den-voi-du-khach-a41891.html