Theo Bloomberg, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa có cuộc họp Hội nghị thường niên tại Boston (Mỹ) ngày 4/10. Trong báo cáo công bố tại Hội nghị đưa ra dự báo mức thâm hụt khoảng 11,6 tỷ USD vào năm 2022, giảm mạnh so với mức dự báo thua lỗ 51,8 tỷ USD của năm nay; tổng thiệt hại ròng 201 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch đã cuốn trôi 9 năm thu nhập của ngành hàng không.
Trước đó, trong dự báo tháng 4 vừa qua, IATA cho rằng, ngành hàng không thế giới thiệt hại khoảng 47,7 tỷ USD trong năm 2021. Thiệt hại của ngành hàng không trong năm 2020 cũng được IATA điều chỉnh tăng từ 126,4 tỷ USD lên 137,7, tỷ USD.
Tuy nhiên IATA cũng hối thúc chính phủ các nước duy trì các biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không cho tới khi tất cả các đường bay quốc tế mở trở lại. Đồng thời, IATA nhận định, trong năm tới, các hãng hàng không tại tất cả các khu vực của thế giới đều sẽ ghi nhận sự phục hồi, thậm chí các hãng hàng không tại Bắc Mỹ được dự báo làm ăn có lãi. Cụ thể, IATA dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tổ chức này nhấn mạnh, tỷ lệ người dân tiêm phòng vắc xin và việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ là hai yếu tố chính tác động tích cực đến đà phục hồi của ngành hàng không thế giới. Theo IATA, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước vào năm 2022 ước tính đạt 93% mức trước đại dịch, tăng 20% so với mức của năm nay.
Cơ quan này ước tính tổng lượt hành khách dự kiến sẽ tăng từ 2,3 tỷ lượt người trong năm 2021 lên 3,4 tỷ lượt vào năm tới. Cả hai con số này đều thấp đáng kể so với số 4,5 tỷ lượt hành khách ghi nhận trong năm 2019.
Doanh thu bán vé của các hãng hàng không trong năm 2020 dự kiến tăng 67% lên 378 tỷ USD. Trong khi ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được dự báo vẫn luôn là điểm sáng với nhu cầu tăng 13,2 % so với năm 2019.
Tổng giám đốc IATA Willie Walsh cho biết: "Mức độ khủng hoảng của Covid-19 với ngành hàng không là rất lớn.
Thị trường Mỹ đã có sự hồi phục vững chắc cho thấy nhu cầu du lịch không bị mất đi sau đại dịch. Nhưng du lịch quốc tế đang bị cản trở bởi những hạn chế, tình hình không chắc chắn và phức tạp".
Ông Walsh cũng kêu gọi chính phủ các nước sớm đơn giản hoá việc hạn chế đi lại và cho phép những du khách đã tiêm phòng vaccine Covid-19 được di chuyển tự do giữa các quốc gia.
Ông nói: "Các hạn chế đi lại giúp chính phủ có thời gian để ứng phó trong những ngày đầu của đại dịch. Nhưng sau hai năm, điều đó không còn cần thiết nữa".
Mặc dù du lịch hàng không không có dấu hiệu sớm hồi phục, vận tải hàng hóa qua đường hàng không lại là một điểm sáng. Nhờ lượng hàng hoá tăng vọt do mua sắm trực tuyến và sự hồi phục mới đây trên toàn cầu, nhu cầu trong năm nay dự kiến tăng hơn 8% so với năm 2019, và sẽ tăng 13% năm 2022.
Hiện nay, du lịch tại Mỹ và khu vực Bắc Mỹ đã bắt đầu phục hồi, nhưng nhiều tuyến bay trên toàn cầu vẫn trong tình trạng đóng băng.
Trong khi Mỹ đã sẵn sàng mở cửa cho du khách xuyên Đại Tây Dương vào tháng tới, các thị trường đường dài khác vẫn trong tình trạng ảm đạm, đặc biệt là thị trường kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ.
Cũng tại hội nghị, đại diện các hãng hàng không đã đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 trong bối cảnh ngành này đang đẩy mạnh nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Nguồn: TTX, SHTT