Buổi sáng đi ăn miến trộn, phở trộn ở một góc chung cư Phạm Viết Chánh là thói quen của nhiều người sinh sống ở đây. Một lần đến thăm bạn ở chung cư và được bạn dẫn xuống quán phở quen ở gần nhà, tôi ấn tượng ngay với tay nghề và cách phục vụ độc đáo của bà chủ quán phở Tùng. Nhìn biển hiệu là quán phở nhưng món ăn được lòng thực khách nhất lại là món miến trộn hay phở trộn.
Tay nghề trộn miến nhìn là mê
Quán phở Tùng được đặt theo tên của con trai bà Thúy với mong muốn buôn may bán đắt theo thời gian. Bà Thúy kể lại, cả gia đình bà từ Hải Phòng vào Sài Gòn lập nghiệp, cả gia đình 3 người gồm ông bà và con trai miệt mài trộn phở, trộn miến phục vụ thực khách suốt 7 năm qua.
Miến trộn là món ăn khá lạ ở Sài Gòn. Bằng kinh nghiệm 7 năm đứng quán, bà Thúy trộn miến “thoăn thoắt” và ước chừng thời gian, lượng tương bằng trực giác để món ăn vừa miệng nhất.
Dù quán bán khá nhiều món nhưng miến trộn, phở trộn vẫn là món ăn được thực khách gọi nhiều nhất. Một tô miến trộn thập cẩm có tôm, xá xíu, trứng cút, thịt gà xé, măng, giá. Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể yêu cầu thêm bớt để chủ quán biết và điều chỉnh nguyên liệu.
Bà Thúy dù bận rộn nhưng vẫn để ý từng khách khi vào quán - Ảnh: Lê Hồng Hạnh
|
Ban đầu bà Thúy sẽ cho nước tương sẽ được cho vào tô trước, tiếp đó là miến, giá đã trụng vào và dùng hai tay cầm đũa trộn liên tục cho đều và thấm. Thực khách chỉ việc đảo nhẹ là thưởng thức được ngay.
“Có nhiều người mua mang về bảo bỏ riêng cái nào ra cái đó nhưng tôi giải thích là không quen tay trộn sẽ không đều, không ngon, chỉ có nước dùng chung thì mới bỏ riêng được”, bà Thúy giải thích.
Quán phở Tùng mở cửa từ 7 giờ sáng đến hơn 14 giờ. Từ 7 giờ đến 9 giờ 30 là khoảng thời gian quán đông khách nhất. Mặc dù chỉ có một mình làm đồ ăn cho khách nhưng bà chủ vẫn rất tỉ mỉ trong việc trộn miến, vừa trộn vừa trò chuyện với thực khách để thực khách đỡ buồn khi đợi món ăn.
Quán phở Tùng đông khách vào buổi sáng - Ảnh: Thanh Khương
|
“Khách đi lẻ hay đi theo nhóm, tôi cũng trụng lượng miến vừa đủ cho một tô, như vậy mới đều tay được, xong tô này mới làm tô khác. Bán lâu rồi nên tôi canh được thời gian trụng trong nước sôi để giữ được độ giòn, dai của sợi miến”, bà chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (53 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi ở gần đây nên mỗi khi ngán cơm nhà sẽ đến thẳng quán này mà không cần suy nghĩ nhiều. Mặc dù bán món Bắc nhưng chủ đã nêm nếm theo khẩu vị trong Nam nên không khó ăn. Quán có nhiều món để thực khách dễ dàng lựa chọn, nhưng ấn tượng nhất vẫn là miến trộn, phở trộn”.
Nhìn mặt khách… để bán
Không chỉ đặc biệt ở món miến trộn mà quán phở Tùng còn níu chân người Sài Gòn bởi cách phục vụ độc đáo của chủ quán khi “nhìn mặt” thực khách để bán. Dù bận rộn và không ngơi tay trộn miến, gói phở cho khách nhưng bà Thúy vẫn để ý đến từng vị khách vào quán.
“Tôi ưa nhìn mặt khách để bán lắm, ví dụ con gái thường thích giữ dáng nên tôi cho ít bánh miến, bánh phở lại. Đàn ông con trai sức ăn mạnh thì cho thêm bánh. Nói chung ai muốn ăn nhiều thì nói, tôi cho nhiều luôn mà không lấy thêm đồng nào”, bà Thúy hài hước nói.
Miến trộn được cho rất nhiều thịt, tôm trứng, gà xé, măng,...
|
Nghe bà chủ quán nói đến đây tôi mới biết vì sao tô miến trộn chúng tôi vừa ăn xong lại đầy ắp thịt trứng và miến. Bà Thúy kể lại, bà đã kịp nghe được cô đồng nghiệp của tôi than “đói bụng” khi vừa ngồi vào bàn.
Bà Thúy trộn miến bằng cảm tính vì đã quen tay trộn suốt nhiều năm qua' - Ảnh: Lê Hồng Hạnh
|
Miến trộn thập cẩm giá chỉ 30.000 đồng/tô, giá không đổi từ nhiều năm qua. Bà Thúy bày tỏ cũng từng có suy nghĩ tăng thêm 5.000 đồng hoặc bớt đi thịt, trứng vì càng ngày vật giá càng đắt đỏ. Tuy nhiên, hiện tại bà vẫn giữ giá cũ vì khách đã quen ăn như vậy, bà cũng quen tay làm như vậy nên nếu cắt bớt đi lượng thức ăn hay tăng giá thì...ngại lắm.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (26 tuổi) chia sẻ: “Cô từng nói khách của cô không ăn thì thôi ăn thì phải mập nên cô cho nhiều đồ ăn lắm, thật sự ở khu này cũng ở gần trung tâm mà giá này vậy là vừa phải, ăn một tô xong là không còn bụng để ăn thêm món khác”.
https://thanhnien.vn/doi-song/mien-tron-an-no-ne-o-sai-gon-boi-ba-chu-nhin-mat-khach-de-ban-1316351.html