Chuyển đổi số trong đào tạo giáo dục thế kỷ 21

Đầu năm Tân Sửu 2021, Tiến sĩ Khoa học Trần Quang Thắng, Viện Trưởng Viện kinh tế và quản lý TP. Hồ Chí Minh đã dành thời gian chia sẻ cùng Tạp chí Ngày mới Online về chủ đề: Đào tạo giáo dục trong thế kỷ 21… Chia sẻ lại với mọi người nội dung này để cùng tham khảo nhé! (https://ngaymoionline.com.vn/chuyen-doi-so-trong-dao-tao-giao-duc-the-ky-21-22059.html)

Mở đầu câu chuyện, TS Trần Quang Thắng đặt câu hỏi: Ngành giáo dục đào tạo Việt Nam đã có những thành tựu nào đáng kể trong thời gian hội nhập và đổi mới của thế kỷ 21? Nhiều năm qua, hình như ngành giáo dục nước ta không có nhiều đổi thay khi so sánh với các chương trình đào tạo của các nước phát triển. Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ,…?

TS Trần Quang Thắng chia sẻ: Sự chuyển đổi sản xuất từ thời công nghiệp (Industrial Age) sang thời kinh tế tri thức (Knowledge Age), thời của thông tin và toàn cầu hóa, cũng không khác gì sự chuyển đổi của thời nông nghiệp (Agrian) sang thời công nghiệp, được xảy ra trong quá trình 200 năm trước đây. Trong các thời gian chuyển đổi, các tình huống liên quan đến đào tạo giáo dục trong nước chỉ được thay đổi và cập nhật hóa với thời gian và sự phát triển của lịch sử, gò bó trong một hệ thống không được hoàn toàn cởi mở, tư duy hạn chế.

Từ nền kinh tế lắp ráp cơ khí, đóng cây đinh vặn con tán, sang đến nền kinh tế tri thức, việc áp dụng các dữ liệu thông tin và kiến thức ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và đời sống con người một cách thầm lặng nhưng ào ạt. Tất cả đang đổi thay và chuỗi lao động gia tăng (value chain of work) cũng thay đổi theo chiều hướng phát triển:

Chuỗi giá trị thời công nghiệp: Khai thác, công nghiệp sản xuất, lắp ráp, tiếp thị, phân phối sản phẩm (dịch vụ).

Chuỗi giá trị thời tri thức: Dữ liệu, thông tin, kiến thức, kỹ năng, tiếp thị, sản phẩm (dịch vụ).

Cụ thể: Các nền kinh tế công nghiệp tập trung vào việc khai thác tài nguyên như quặng sắt và dầu mỏ để chế biến thành xe ôtô và xăng dầu cho người tiêu dùng. Nền kinh tế tri thức biến kỹ năng, thông tin và phát minh sáng tạo thành các dịch vụ như phủ sóng điện thoại di động toàn cầu. Vấn đề được đặt ra ở đây không phải là nền kinh tế công nghiệp sẽ mất chỗ đứng và được thay thế bằng nền tinh tế tri thức, trong khi người tiêu dùng vẫn thường ngày cần đến các sản phẩm, nhưng là vấn đề ý thức tiếp cận sự thay đổi. Ví dụ: Từ sản xuất ôtô rồi tiếp đến hợp tác giới thiệu các đại lý bán xăng dầu, thì nay ngược lại, phát triển các kênh phân phối rồi mới triển khai sản xuất sản phẩm, phủ sóng toàn cầu rồi mới bán điện thoại thông minh.

Chiến lược quốc gia của các nước phát triển dựa vào sự thay đổi trên, liên tục triển khai và khai thác các khâu dịch vụ và tự động hóa các khâu sản xuất, phát triển các kỹ năng công dân, áp dụng công nghệ cao; những gì cần đến sức lao động thì chuyển giao cho các nước đang phát triển, như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Lao động chân tay được dành cho các nước đang phát triển, các nước phát triển tiếp tục nổ lực phát huy nền kinh tế tri thức qua việc giáo dục đào tạo sinh viên học sinh với chương trình tiên tiến “21st Century Learning”.

Duy trì lối đào tạo cũ hay đổi mới sáng tạo?

Trước thực trạng này, câu hỏi cần đặt ra là chúng ta nên tiếp tục duy trì đường lối đào tạo xưa cũ để đáp ứng nhu cầu lao động phổ thông hay thay đổi cấu trúc đào tạo để theo kịp các nước phát triển? Chúng ta nên chú tâm vào đào tạo lao động chân tay hay phát triển tư duy sáng tạo, và xem xét các công việc sáng tạo là then chốt để hội nhập kinh tế toàn cầu thế kỷ 21?

Nhìn lại hệ thống đào tạo giáo dục của Việt Nam của ngày hôm nay thì đã có ít nhiều khác biệt so với thời xưa cũ. Năm học dựa theo lịch nông nghiệp ngày xưa, mùa hè học sinh được nghỉ học để lo phụ giúp cha mẹ các công việc đồng áng vào mùa gặt hái. Tết đến nghỉ học vì thì tháng giêng là tháng ăn chơi. Tiết học 45 phút dựa theo tiếng chuông tiếng kẻng báo giờ của một nhà máy thời công nghiệp, đào tạo sinh viên học sinh theo lề lối làm việc nhà máy và công sở, tiêu chuẩn hóa, thống nhất, và sản xuất hàng loạt. Giáo trình và các môn học không thay đổi như từ thời xa xưa (Văn, Toán, Khoa học, Nghệ thuật), phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên học sinh mới được manh nha thành hình.

Tuy nhiên, đó cũng là phương cách giáo dục không những ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới trước nay, dựa theo bốn rường cột chính của ngành giáo dục; đóng góp vào việc phát triển lao động và xã hội, phát triển tài năng cá nhân, thực hiện trách nhiệm công dân, và chuyển tiếp giá trị và truyền thống đến các thế hệ sau.

Đã đến lúc chúng ta bước vào kỷ nguyên mới của thời tri thức, thời đại của công nghệ số, của sự liên kết công dân toàn cầu, của máy tính bảng, của điện thoại thông minh, của thế giới phẳng với các nền văn hóa pha trộn lẫn nhau; điển hình là câu chuyện của điện thoại thông minh Samsung, được thiết kế tại Hàn Quốc, phần mềm Android từ California, linh kiện được mua từ Trung Quốc, lắp ráp tại Bắc Ninh, và được bày bán trên các cửa hàng điện thoại trên toàn thế giới.

Chuyển đổi số trong thời buổi công nghệ

Để trở thành một công dân toàn cầu, vấn đề đào tạo giáo dục cũng nên có quy mô quốc tế, phải thức thời trước sự phát triển công nghệ, nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống cộng đồng. Đào tạo giáo dục sinh viên học sinh không phải là những bước chuẩn bị cho các sinh viên sau khi ra trường đi tìm việc làm, nhưng giúp cho học viên tạo ra các việc làm sau này để đóng góp hiệu quả cho xã hội và mạng lưới toàn cầu. Học tập phát triển kỹ năng không nên bị ràng buộc bởi bằng cấp và bốn bức tường lớp học, nên phóng khoáng và thông thoáng hơn. Đó cũng là mục tiêu của “21st Century Learning”, đào tạo và học tập trong thế kỷ 21, thế kỷ của thế giới phẳng và của sự phát triển thông tin truyền thông, kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, với giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời nay, họ cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối hệ thống sản xuất, kết nối sản phẩm với chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu theo chuẩn chung của quốc gia, quốc tế. Trong công cuộc chuyển đổi số, vai trò chủ động của doanh nghiệp là quan trọng hàng đầu bên cạnh việc nhà nước thực hiện xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, phát triển trong nền kinh tế số. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, do đón nền kinh tế số sẽ mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế hiệu quả hơn. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định rõ: Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm hơn 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm.

Ngày 14/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị xác định, theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Như vậy, có thể thấy định hướng rõ ràng, và quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế số để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội đất nước, TS Trần Quang Thắng thông tin thêm.

Đào tạo giáo dục trong thế kỷ 21

Với sự phát triển công nghệ, khi mà học viên có thể tiếp cận thông tin bất cứ ở nơi nào, khi có thể vào internet tự nghiên cứu bài giảng, thay vì ràng buộc với phương pháp “Thầy giảng, viết lên bảng, trò chép, mơ giữa ban ngày, ngáp ruồi, học thuộc lòng, chờ ngày đi thi”, học tập trong thế kỷ 21 là đào tạo sinh viên học sinh các kỹ năng cần thiết như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác (critical thinking, problem solving, communication and collaboration). Chương trình đào tạo học đường được đề ra bao gồm:

Các môn học cốt lõi và các chủ đề của thế kỷ 21: Tiếng nước sở tại, Tiếng Anh, ngôn ngữ thế giới, nghệ thuật, toán học, kinh tế, khoa học, địa lý, lịch sử, chính phủ và công dân. Ngoài các môn bắt buộc, các giáo viên phải thúc đẩy giải thích lý do nội dung học tập bằng cách đan vào bài giảng các chủ đề liên ngành của thế kỷ 21 liên quan như; nâng cao nhận thức toàn cầu; tài chính, kinh tế, kinh doanh và doanh nghiệp; công dân giáo dục; sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường.

Qua đó, học tập và đổi mới kỹ năng sẽ giúp cho học sinh chuẩn bị cho cuộc sống ngày càng phức tạp vì môi trường làm việc cạnh tranh thế giới: Sáng tạo và đổi mới, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác.

Khi chúng ta đang sống trong một môi trường do công nghệ và phương tiện truyền thông điều khiển, đánh dấu bằng quyền truy cập vào sự phong phú thông tin, thay đổi nhanh chóng của các công cụ công nghệ và khả năng cộng tác quy mô, đào tạo một công dân hiệu quả là việc đào tạo người đó có đủ các khả năng và kỹ năng tư duy quan trọng để có thể truy cập thông tin, hiểu biết về truyền thông, phát triển ICT, công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài ra, sống và làm việc môi trường ngày nay đòi hỏi nhiều hơn so với các kỹ năng và kiến ​​thức phổ thông trước đây, sinh viên học sinh cần được đào tạo để thích ứng với mọi tình huống trước khi vào đời như: Tính linh hoạt và khả năng thích ứng, sáng kiến ​​và tự định hướng, kỹ năng xã hội và giao lưu văn hóa, năng suất và trách nhiệm, trách nhiệm lãnh đạo.

Cần phải làm gì để chuyển hướng đào tạo?

TS Trần Quang Thắng kiến nghị: Ngành giáo dục đào tạo trong nước cần phải chuyển hướng và thiết thực hơn để sánh kịp sự phát triển của thế kỷ. 7 đề nghị sau đây nên được xem xét và áp dụng: Đặt nhu cầu phát triển của sinh viên học sinh là trung tâm; giáo dục đào tạo là sự hợp tác giữa thầy và trò, thầy là người hướng dẩn, trò là nhà nghiên cứu; giáo trình và chủ đề học tập phải liên quan đến các thực tế của thế kỷ 21; học đường phải liên kết với các nhu cầu phát triển xã hội; áp dụng công nghệ thông tin trong học tập; khuyến khích tự học và tiếp tục học trực tuyến; đào tạo giáo dục là việc cung ứng chuyên gia cho nền kinh tế toàn cầu.

Sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại tri thức đòi hỏi những thay đổi mới trong ngành giáo dục đào tạo. Nhờ vào sự phát triển công nghệ tin học, phòng học ngày nay không còn bị giới hạn trong phạm vi bốn bức tường hay khuôn viên trường học, mọi người đều có thể khai thác thông tin ở mọi nơi và bất cứ lúc nào. Cũng từ đó, việc phát triển chất xám Việt Nam ở ngay trong nước chứ không phải ở ngoài nước, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin Việt Nam đã được đầu tư mạnh mẽ và không thua kém bất cứ một quốc gia phát triển nào.

“Tiến sĩ khoa học Trần Quang Thắng, Viện Trưởng Viện kinh tế và quản lý TP. Hồ Chí Minh”

 

Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/chuyen-doi-so-trong-dao-tao-giao-duc-the-ky-21-a7434.html