Chuyển đổi số, hoặc là chết
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc và nghiên cứu, theo dõi các doanh nghiệp thuộc nhiều thế hệ, ông Quang Minh – chuyên gia tư vấn cao cấp về quản trị doanh nghiệp, đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn còn rất non trẻ, và vấn đề quản trị mới chỉ bắt đầu được quan tâm từ khoảng 15 năm gần đây.
Trong một giai đoạn với nhiều biến động như hiện nay, ngoài các trụ cột cơ bản của quản trị, một trong những vấn đề quan trọng là quản trị công nghệ và thông tin, cơ sở dữ liệu.
Tài nguyên và nguồn lực quan trọng nhất hiện nay của doanh nghiệp không hẳn là tiền bạc, mà là thông tin, và muốn có thông tin, doanh nghiệp cần có dữ liệu – kết quả của sự chuyển đổi số.
Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 trên khắp thế giới đã làm xuất hiện thêm nền kinh tế số, xã hội số, quốc gia số, công dân số, từ đó làm thay đổi môi trường kinh doanh, hành vi khách hàng. Bản chất của cạnh tranh trong kinh doanh thay đổi, mô hình kinh doanh cũng thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ mới.
“Vì vậy, nếu nói về quản trị mà không nói về chuyển đổi số, không nói về kinh doanh trên nền tảng số là lạc hậu. Do đó, chắc chắc doanh nghiệp phải làm chuyển đổi số”, ông Minh nhấn mạnh tại tọa đàm “Thách thức quản trị doanh nghiệp 2020 – 2025” trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD).
Ba thách thức với doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Vị chuyên gia tư vấn cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề chuyển đổi số.
Thứ nhất là nghịch lý nhiều – ít, khi nhiều người nói, nhiều chuyên gia, nhưng rất ít người có thể thực sự hiểu vấn đề chuyển đổi số từ lý thuyết đến thực hành, mà phần nhiều tiếp cận ở khía cạnh kỹ thuật, bán sản phẩm phần mềm, thay vì tiếp cận từ khía cạnh quản trị.
Cùng với đó, phần lớn doanh nghiệp vẫn hiểu sai về chuyển đổi số. “Chuyển đổi số là một quá trình, không chỉ là áp dụng công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả mô hình kinh doanh, tư duy, cách làm việc, và con người, để thực hiện và đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp bằng các công cụ trên nền tảng số”, ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, nghịch lý nhiều – ít còn thể hiện ở việc doanh nghiệp nhiều kỳ vọng, nhiều mong muốn, nhưng lại rất ít đầu tư; ở thực trạng nhiều nền tảng, nhiều sản phẩm, công cụ số được cung cấp, nhưng rất ít phù hợp và chất lượng, đặc biệt, rất ít sản phẩm thật sự đúng, phù hợp với nền quản trị và trình độ quản trị của con người Việt Nam.
Thách thức thứ hai đến từ bối cảnh biến động với tốc độ chưa từng có, từ địa chính trị, khí hậu, đến thông tin, ứng dụng công nghệ, buộc doanh nghiệp, các nhà quản trị phải liên tục trang bị kiến thức, không chỉ kiến thức nền mà còn phải thường xuyên cập nhật.
Vấn đề thứ ba là con người, với thực tế thiếu và yếu, không chỉ ở cấp dưới, mà ngay cả những người đứng đầu, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông, phần lớn nhà lãnh đạo làm theo thói quen, khó thay đổi, nhất là tại những doanh nghiệp có tuổi. Nhiều lãnh đạo rơi vào bẫy thành công, khi cho rằng những bài học kinh nghiệm cũ đã mang lại kết quả, từ đó từ chối những cái mới, từ chối học hỏi.
Điều này dẫn tới việc không đánh giá hết được tầm quan trọng của chuyển đổi số, công nghệ số trong quản trị, từ đó doanh nghiệp đầu tư ít, đầu tư cầm chừng theo phong trào.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Điểm khó khăn và quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số là nhận thức của lãnh đạo. Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi”.
Theo ông Teng Theng Dar, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội doanh nhân châu Á, doanh nghiệp cần đặt ra hai câu hỏi trước khi tiến hành chuyển đổi số. Thứ nhất là có thể cắt bỏ bao nhiêu bước trong quy trình, từ đó cải thiện hiệu suất công việc. Thứ hai là bao nhiêu bước trong vận hành có thể gộp lại thành một.
“Điều quan trọng trước khi chuyển đổi số là hệ thống vận hành trong doanh nghiệp, các quy trình được chuẩn hóa nhờ quản trị”, ông nhấn mạnh.
Nguồn: theleader.vn
Link nội dung: https://dulichvn.net.vn/nghich-ly-it-nhieu-trong-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-a92365.html