Theo báo Tiền phong: Gõ từ khóa “trao đổi, giao lưu vàng” sẽ có hàng chục kết quả là các hội nhóm công khai lẫn nhóm kín liên quan đến việc trao đổi, mua bán từ vàng miếng, nhẫn 9999, vàng trang sức… Nhóm nào cũng có lượng thành viên rất lớn, mỗi thông tin đều có nhiều lượt tương tác càng chứng tỏ sức nóng về vàng từ mạng xã hội.
Tại nhóm “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua khâu trung gian”, người dùng tên N.H cho biết: “Nhận đăng ký mua vàng online, chỉ nhận của ngân hàng Agribank. Mọi người cần săn hộ gửi sẵn thông tin để em nhập, đăng ký được mới nhận công”. Ngay lập tức, cả chục lượt “inbox” (nhắn tin riêng) để người này chủ động trao đổi.
Không chỉ có vậy, trong bài viết trên Tiền Phong: Chị Nguyễn Thị Hà (47 tuổi, ngụ quận 7) có nhu cầu mua vàng miếng nhưng đến tiệm vàng thì “hết số”, đăng ký online thì “hết lượt”. Thế nhưng, sau khi chị Hà đăng nhu cầu mua vàng lên nhóm “giao lưu vàng”, rất nhiều người nhắn tin hỗ trợ mua hộ vàng online. “Chỉ trong hai ngày, tôi đã mua đủ số lượng vàng miếng theo yêu cầu, giá trả thêm trên mỗi lượng vàng 1 triệu đồng. Họ đưa vàng cho tôi kiểm tra sau đó tôi mới chuyển tiền, vàng có hóa đơn điện tử nên yên tâm. Nhờ dịch vụ cho nhanh chứ để mình tự làm thì đến Tết cũng chưa mua được vàng” - chị Hà nói.
Cũng tại bài viết này, nhóm “Mua bán, trao đổi vàng giá rẻ”, một thành viên tên Thanh Trang rao “có 1 slot (chỗ) nhận vàng chiều nay tại ngân hàng Vietcombank TPHCM lúc 14h, ai mua đi cùng khỏi sợ lừa đảo ”. Và, thông tin giá chuyển nhượng vàng là 77,8 triệu đồng/lượng (tăng 1 triệu đồng so với giá ngân hàng). “Nếu chị mua sang tay còn sợ hàng giả, chứ đây đi cùng em đến ngân hàng thì còn lo lắng gì” - Trang cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TPHCM) việc các cá nhân tự thỏa thuận mua bán vàng nếu không đúng quy định có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định,chỉ có các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng (ngân hàng) được cấp giấy phép kinh doanh thì mới được phép mua, bán vàng miếng. Đồng thời các cá nhân, tổ chức mua, bán vàng miếng tại các địa điểm không có giấy phép kinh doanh cũng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ.
Một người dùng có nickname Ẩn Danh vừa rao “có 10 lượng vàng SJC vừa mua từ ngân hàng, hóa đơn hẳn hoi. Ai cần inbox”. Khi nhắn tin, phóng viên nhận được báo giá 79,9 triệu đồng/lượng. Người này đề nghị chuyển khoản, không dùng tiền mặt. “Chị mua lúc này là hợp lý vì giá hời lại có vàng ngay, chứ để vài hôm nữa muốn mua cũng không có đâu. Dự báo là từ đây đến cuối năm giá vàng không dưới 90 đồng nên mua vàng chỉ có lời chớ chả lỗ (?). Vàng em bán cả trăm khách rồi, đảm bảo uy tín” - người này nói.
Quá liều!
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng: “Khách hàng quá liều khi mua vàng ở chợ online, hội nhóm trên mạng”. Bởi, hiện vàng đang có “giá trong giá ngoài”, đó là giá trong ngân hàng và giá ngoài thị trường tự do. Các ngân hàng và Công ty SJC chỉ cho phép mỗi người mua tối đa một lượng vàng nên gây ra tâm lý muốn mua nhiều hơn. Khi nhu cầu vàng đang tăng nhưng không dễ để mua được vàng, nhiều người nôn nóng đã tìm đến cộng đồng online, các hội nhóm trên mạng. Giao dịch kiểu sang tay, ngoài quầy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua phải vàng miếng nhái, vàng không đủ tiêu chuẩn. “Trước đây đã từng có tình trạng kẻ xấu lợi dụng nhu cầu của khách hàng đã tạo ra những miếng vàng SJC nhái, giả. Bây giờ nhu cầu khách mua vàng cao nên việc này càng trở nên phổ biến” - ông Phương nói trên Tiền Phong.
Bài viết trên Tiền Phong cũng nhấn mạnh việc Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo. Đối tượng bán vàng có thể nhắn địa chỉ để khách hàng đến giao dịch, hoặc khách cung cấp địa chỉ nhà để bên bán đến giao vàng, từ đó dễ gặp kẻ xấu gây thiệt hại cho người mua. Đối với những dịch vụ đăng ký hộ trên online và đứng ra mua vàng hộ để ăn chênh lệch, cũng có khả năng bị lừa đảo khi khách chuyển tiền, đưa tiền để người bán vào ngân hàng nhận vàng.