Lạ lùng phong tục “Người lớn vẫn là trẻ con” khi chưa được làm lễ

Đỗ Tuấn Linh
Lễ cấp sắc là một nghi thức quan trọng trong lễ tục vòng đời người con trai Dao. Nếu chưa trải qua cấp sắc, một người đàn ông dù đã già vẫn bị coi là trẻ con. Tìm hiểu về phong tục này qua bài viết của Đỗ Tuấn Linh trên https://www.nguoiduatin.vn/la-lung-phong-tuc-nguoi-lon-van-la-tre-con-khi-chua-duoc-lam-le-a504630.html.

Ranh giới người trẻ - người già thông qua một nghi lễ

Theo phong tục của đồng bào người Dao truyền lại từ bao đời nay, thanh niên đến tuổi đều phải trải qua lễ cấp sắc thì mới được coi là trưởng thành về mọi mặt.

Để tìm hiểu kỹ hơn về nét độc đáo phong tục cấp sắc của người Dao, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã tìm về Tuyên Quang, nơi đồng bào Dao chiếm phần đông dân số tại đây và vẫn giữ được truyền thống, bản sắc xưa với nghi lễ cấp sắc.

Quan niệm của người Dao ở Tuyên Quang về lễ cấp sắc là sự phân biệt giữa người trẻ và người già trong xã hội. Nếu chưa trải qua cấp sắc thì dù đã già vẫn bị coi là trẻ con bởi chưa có thầy cấp sắc, chưa có tên âm và đặc biệt là đạo sắc. Nếu đã qua lễ cấp sắc thì dù trẻ vẫn được coi là người lớn, được bàn bạc những công việc hệ trọng của làng, bản, được tham gia cúng bái, giúp việc các thầy cúng thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng. Người đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải, trái và được tổ tiên công nhận.

Theo tìm hiểu, người Dao Đỏ ở Tuyên Quang sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Đà Vị (huyện Nà Hang), Lang Quán (huyện Yên Sơn). Người Dao Tiền sống chủ yếu ở các xã Hồng Thái (huyện Nà Hang), Phú Bình (huyện Chiêm Hóa), Quý Quân (huyện Yên Sơn). Tại đây, lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hoặc tháng 1 năm sau, vì thời điểm đó là khoảng thời gian nông nhàn của đồng bào người Dao sau vụ mùa.

Theo đó, độ tuổi làm lễ cấp sắc của người Dao Đỏ, Dao Tiền thường từ 12-30 tuổi, có khi đến già, trong khi đó ở người Dao áo dài là 11-19 tuổi. Người Dao đỏ có thể tổ chức cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ, còn người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó.

Diễn đàn - Lạ lùng phong tục “Người lớn vẫn là trẻ con” khi chưa được làm lễ

Lễ cấp sắc của người Dao là một điểm nhấn trong hành trình du lịch tại Tuyên Quang.

Thông tin với PV về phong tục này, ông Nguyễn Ngọc Chiến – đại diện sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Lễ cấp sắc của người Dao nói chung đều có giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.

Trong ngày lễ cấp sắc của người Dao Đỏ, Dao Tiền, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đảo người dân trong bản. Những điệu múa của người Dao thể hiện sự tự do hòa nhập với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy múa kết hợp với ca hát để tổ tiên dòng họ xem như diễn tả việc làm nương, tra hạt, làm nhà... Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui nhộn nhịp”.

Lễ tục tâm linh, kỳ bí

Trao đổi với PV, ông Bàn Văn Sử, một thầy làm lễ cấp sắc nhiều năm tại thôn Bản Lục (xã Đà Vị, huyện Nà Hang) cho biết: “Lễ cấp sắc được tổ chức cho những người con trai từ 9 tuổi trở lên, để đặt tên âm (tên cúng cơm), danh xưng sẽ được sử dụng sau khi họ qua đời. Chỉ khi tham gia lễ này, thanh niên Dao mới được coi là người trưởng thành về mọi mặt: tâm hồn, sức mạnh, tinh thần... để tham gia vào những quyết định của cộng đồng và tổ tiên mới công nhận.

Diễn đàn - Lạ lùng phong tục “Người lớn vẫn là trẻ con” khi chưa được làm lễ (Hình 2).

Lễ cấp sắc của người Dao tại Tuyên Quang.

Theo ông Sử, lễ cấp sắc của người Dao là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đan xen với tư tưởng Đạo giáo và Nho giáo đã được "bản địa hóa". Một lễ cấp sắc thường có 2 đến 3 thầy cúng và những người không thuộc trong cùng gia đình với người thụ lễ, có thể là người cùng họ nhưng phải khác nhánh. Trong số các thầy cúng sẽ có 2 vị cúng chính và một vị phụ. Các thầy cúng sẽ mang theo tranh Tam Thanh (vẽ ba vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo), tranh múa và trang phục thầy cúng, gậy ma đi cùng. Bàn thờ lễ cấp sắc được dựng tại nhà của người thụ lễ, đặt cạnh bàn thờ tổ tiên. Phía trên ban thờ thần linh treo tranh Tam Thanh và tranh múa.

Người Dao Đỏ, Dao Tiền làm lễ cấp sắc ở mỗi bậc cấp đều có những khác biệt nhất định trong trình tự hành lễ. Tuy nhiên, có 2 phần lễ chính là lễ Quá tang (qua đèn) gồm các phần trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu. Phần còn lại là lễ thăng cấp, mỗi lần làm lễ thường diễn ra 2 ngày 2 đêm.

Cũng theo thầy làm lễ cấp sắc tại thôn Bản Lục, trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ, thầy cấp sắc chuẩn bị đầy đủ ghế, quần áo, nhờ sư phụ, tổ tiên, ủng hộ lễ cấp sắc; thắp đèn cho đạo tràng (người được cấp sắc). Các thầy dùng sách cúng, gõ trống chiêng vừa cúng, vừa quay vòng quanh đạo tràng từ 9 đến 11 vòng với mục đích để ủng hộ cho đạo tràng.

Đèn cấp sắc lúc nào cũng sáng soi đạo tràng, cầu cho đạo tràng luôn khỏe mạnh. Sau đó thì hạ chén khung đèn, các thầy làm lễ truyền lại phép cho đạo tràng. Đạo tràng nhận được phép của thầy và sau này người đạo tràng được cấp sắc giúp người khác, duy trì phong tục, tập quán bản sắc của dân tộc, truyền lại lý lẽ phép tắc cho đời sau.

Kết thúc lễ cấp sắc, thầy sẽ làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ đã ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc đạt kết quả tốt, đồng thời lấy bánh trong buổi lễ cấp sắc cho mọi người cùng ăn, thưởng thức, chia vui với người được cấp sắc. Từ đây, chàng trai thụ lễ cấp sắc đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Hầu hết mọi nghi thức tổ chức lễ cấp sắc của các đồng bào người Dao đều giống nhau, là cột mốc đánh dấu một người trưởng thành về mọi mặt như: Tâm hồn, sức mạnh, tinh thần...

Có thể nói, lễ cấp sắc là một nghi thức tâm linh vô cùng quan trọng trong đời người đàn ông Dao, và vì thế nó trở thành một nét văn hóa đặc sắc mà không phải dân tộc nào cũng có được.

Lễ cấp sắc của người Dao là một điểm nhấn trong hành trình du lịch tại Tuyên Quang - miền đất giàu truyền trống và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Do đó, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ cấp sắc của người Dao Tiền vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 22/1/2020.

https://www.nguoiduatin.vn/la-lung-phong-tuc-nguoi-lon-van-la-tre-con-khi-chua-duoc-lam-le-a504630.html