Loạt sản phẩm sữa giả "bay màu" khỏi kênh phân phối, HIUP bị điểm tên

Lý Lương
Theo Người Lao động, loạt sản phẩm sữa bột giả không còn xuất hiện trên quầy kệ kênh phân phối, cũng như truy cập được vào đường link bán hàng trên kênh online.
Loạt sản phẩm sữa giả "bay màu" khỏi kênh phân phối, HIUP bị điểm tên

Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận khiến người tiêu dùng hoang mang.

Loạt sản phẩm sữa giả "bay màu" khỏi kênh phân phối, HIUP bị điểm tên- Ảnh 1.

Người tiêu dùng đang khá hoang mang trong lựa chọn sản phẩm sữa bột

Bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 8-2021 đến nay, Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay, 2 công ty trên đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.

Trong gần 600 loại sữa làm giả gồm cả sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Ngay sau thông tin phát hiện đường dây sản xuất sữa giả, nhiều nhãn sữa đã "bay màu" khỏi kênh phân phối offine và online như: Cilonmum, Talacmum, NewSure Colos 24H Kid Plus; Baby Care Colostrum Kid; Bold Milk…

Cùng với đó, người dùng cũng réo tên, quay lưng với sản phẩm sữa HIUP.

Chị P.T., chủ cửa hàng sữa trên đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, khẳng định không bán các dòng sản phẩm bị cáo buộc là sữa giả, dù trước đó một số nhà tiếp thị có đến cửa hàng mời nhập.

Loạt sản phẩm sữa giả "bay màu" khỏi kênh phân phối, HIUP bị điểm tên- Ảnh 2.

Sữa HIUP bị điểm tên vì quảng cáo sai sự thật

Tuy nhiên, chị P.T. cho hay hôm nay nhiều khách hàng quen có đến cửa hàng để hỏi về việc trả lại sản phẩm sữa HIUP do nghi ngại về chất lượng.

"Tôi phải giải thích với khách hàng rằng sản phẩm sữa này không liên quan tới đường dây sản xuất sữa giả vừa bị Bộ Công an phát hiện. Sản phẩm bị réo tên vì trước đó bị phạt do vi phạm về quảng cáo" - chị P.T cho biết.

2 ngày qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng tham gia quảng cáo các dòng sữa đa công dụng bị cộng đồng mạng gọi tên, trong đó có BTV Quang Minh, Vân Hugo… được nhắc đến khi tham gia quảng cáo cho dòng sữa HIUP - dòng sản phẩm bị phạt do vi phạm về quảng cáo.

Trước đó, ngày 21-3-2024, Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết định 75 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Kinh doanh và công nghệ Alama Việt Nam (công ty Alama Việt Nam) vì hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm sữa HIUP 27.

Đường dây sản xuất sữa bột giả: Bắt giữ nhóm đối tượng với doanh thu gần 500 tỷ đồng

Cơ quan điều tra đã công bố thông tin gây sốc về một đường dây sản xuất và buôn bán sữa bột giả tại Hà Nội. Sau bốn năm hoạt động, nhóm đối tượng này đã tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả ra thị trường, mang lại doanh thu lên tới gần 500 tỷ đồng.

loat-san-pham-sua-gia-bay-mau-khoi-kenh-phan-phoi-hiup-bi-diem-ten-1-dulichvn-1744649386.jpg
Sản phẩm sữa bột của công ty này được quảng cáo được ứng dụng thành tựu dinh dưỡng hiện đại (Ảnh: Người lao động).

Khởi tố nghi phạm cầm đầu

Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà cùng với sáu người khác để điều tra về các tội danh liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm, cũng như vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Cường và Hà bị cáo buộc là hai kẻ chủ mưu của đường dây này, là ông chủ của Hacofood Group và Rance Pharma, hai công ty đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm giả mạo.

Tình hình điều tra

Theo kết quả điều tra ban đầu được đăng tải trên TTXVN, từ tháng 8 năm 2021, nhận thấy nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng và bột sữa tại Việt Nam, Cường và Hà đã thành lập Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group tại Hà Nội. Hai công ty này chính là nơi trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

loat-san-pham-sua-gia-bay-mau-khoi-kenh-phan-phoi-hiup-bi-diem-ten-4-dulichvn-1744649381.jpg
Ảnh

Để mở rộng quy mô hoạt động, nhóm này liên doanh, liên kết với nhiều đối tượng khác và thành lập thêm 9 công ty khác. Các công ty này có trách nhiệm đứng tên hồ sơ công bố sản phẩm và trực tiếp kinh doanh các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Hacofood và Rance Pharma. Các công ty này bao gồm Công ty CP Dược Quốc Tế Group, Big Four Pharma, Long Khang Group, BFF, Safaco Group, Darifa Group, Win CT, Phúc An Khang và Dược Á Châu.

Hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm

Toàn bộ quá trình sản xuất sữa bột giả tại hai nhà máy đã được giao cho Hồ Sỹ Ý, một cổ đông góp vốn của cả hai công ty. Ý chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm tại các nhà máy. Theo thông tin thu được từ các cuộc khám xét, cảnh sát đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với tổng cộng 26.740 lon/90 lô sản xuất, cùng nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.

loat-san-pham-sua-gia-bay-mau-khoi-kenh-phan-phoi-hiup-bi-diem-ten-2-dulichvn-1744649381.jpg
Một hộp sữa giả trong vụ án - Ảnh VTV

Cơ quan điều tra cũng xác định rằng từ năm 2021 đến nay, Rance Pharma và Hacofood đã không kê khai đầy đủ doanh thu thực tế trong sổ sách kế toán, dẫn đến thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Nguy cơ sức khỏe từ sữa bột giả

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, các sản phẩm sữa bột giả được công bố có chứa các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, và bột macca. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những thành phần này không có mặt trong sản phẩm. Nhóm này đã sử dụng các chất phụ gia khác để thay thế, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều sản phẩm sữa bột có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố, từ đó đủ căn cứ xác định đây là hàng giả.

PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo về những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng nếu người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, sử dụng sữa bột giả này. Ông nhấn mạnh rằng sữa giả có thể làm xấu đi tình trạng sức khỏe của người bệnh, nhất là những bệnh nền như tiểu đường do các thành phần như đường, đạm và vi chất không đạt tiêu chuẩn.

Ông Trung cũng cho biết nhiều sản phẩm của công ty này được hướng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là những đối tượng rất nhạy cảm. Nếu tiêu thụ sữa giả lâu dài, trẻ em có thể bị chậm phát triển và thiếu dinh dưỡng, trong khi phụ nữ mang thai có thể gặp phải nguy hiểm đối với thai nhi như nhẹ cân hoặc sinh non.

Kiến nghị tăng cường giám sát

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị Bộ Y tế và Cục Quản lý thị trường nâng cao giám sát trong việc cấp phép và quảng cáo sản phẩm. “Tôi không hiểu công nghệ nào cho phép đưa đông trùng hạ thảo hay macca vào sữa bột mà vẫn đảm bảo chất lượng sau khi hòa tan. Quảng cáo sai lệch như vậy cần bị xử lý nghiêm,” ông nói.

Vụ việc này không chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp thực phẩm mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm hiện tại tại Việt Nam.

Theo Người Đưa tin, Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù tới 10 năm

Tại dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được xây dựng, cơ quan soạn thảo - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định phạt tù đối với hành vi bán hàng giả trực tuyến.

Theo đó, tại Điều 193 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mức phạt với hành vi này bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20-100 triệu đồng lên 40-200 triệu đồng.

Cùng với đó, cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 18-36 tỷ đồng, gấp đôi mức phạt hiện hành.

Pháp nhân vi phạm cũng bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Đáng chú ý, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm "Hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên" bị đề xuất mức phạt tù từ 5-10 năm.