Đó là ý kiến của bạn đọc Duy Thịnh đăng trên VnExpress.net. (https://vnexpress.net/sa-pa-nhat-nhoa-khi-du-lich-phong-cach-tay-tang-4424964.html?).
Theo người viết, "Tôi là một người yêu Sa Pa, thường xuyên ghé thăm nơi đây 1-2 năm một lần. Nhưng thú thật, mỗi lần trở lại, tôi lại thấy một Sa Pa ngày càng xa lạ. Đằng sau vẻ hiện đại, giàu có hơn trước, là một mảnh đất Tây Bắc mất dần chất riêng, cứ nhạt nhòa và vô vị. Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của địa phương khi không có một quy hoạch phát triển du lịch theo định hướng, để mặc người ta khai thác, phá nát thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Cái giá phải trả cho sự dễ dãi này chắc chắn sẽ rất đắt". Cụ thể, bài viết nêu hiện tượng: "Nhiều du khách đến Sa Pa thuê đồ và chụp ảnh theo phong cách người Mông Cổ, Tây Tạng... Các địa điểm chụp ảnh phù hợp là có khung cảnh núi rừng, trang trí bằng nhiều gỗ lều trại như bản Cát Cát, điểm check-in săn mây trên đèo Ô Quý Hồ, Rock Garden Homestay, Best View... Trào lưu chụp ảnh này rộ lên trong thời gian gần đây, khiến các cơ sở cho thuê trang phục, bối cảnh chụp ảnh mọc lên như nấm. Do nhu cầu tăng cao, trang phục cho thuê thường xuyên "cháy hàng" nên khách phải đặt từ rất sớm. Chi phí cho một bộ ảnh là khoảng 1,5-2 triệu đồng. Ngoài ra, du khách có thể tự đặt trang phục với giá khoảng 400.000 đồng một người".
Với góc nhìn của tác giả bài viết, trào lưu này cũng góp phần thu hút du khách đến với Sa Pa, tăng thêm nguồn thu cho người dân địa phương, mở ra thêm một hình thức dịch vụ mới. Nhưng đó chỉ là những cái lợi trước mắt. Và, trào lưu này không phù hợp với bản sắc các dân tộc Việt Nam. Đồng thời tác giả bài viết đặt câu hỏi: Liệu người ta có còn nhớ đến nét đặc trưng của Sa Pa khi nhìn những bức ảnh "chẳng khác gì Tây Tạng" này? Về lâu về dài, nó có lợi gì cho du lịch địa phương? Tại sao người ta không tận dụng chính văn hóa dân tộc địa phương để quảng bá du lịch? Nếu thay vì cho thuê trang phục của Tây Tạng, người ta sử dụng trang phục các dân tộc thiểu số điển hình như: H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó thì có lẽ chuyện đã rất khác. Sao phải lai căng, mang hình ảnh của đất nước khác về đây để làm du lịch? Như vậy du khách sẽ nhớ đến Sa Pa hay nghĩ về Tây Tạng? Và khi trào lưu đi qua, người ta sẽ có lý do gì để quay lại nơi đây?
Tác giả khẳng định: "Sa Pa giờ chẳng khác nào một nồi lẩu thập cẩm, mang cả thế giới về trưng bày một cách vô tội vạ, thiếu điểm nhấn và quy hoạch. Tất cả gây nên một cảm giác bội thực, bức bối với những người từng ghé qua mảnh đất này". Đặc biệt, tác giả còn cho rằng, "việc này cho thấy sự bế tắc, cạn ý tưởng trong cách làm du lịch tại Sa Pa".
Cuối bài viết, tác giả nêu: Hội nhập là xu hướng tất yếu của thời đại, nhưng không có nghĩa là hòa tan văn hóa. Chúng ta cần phải tìm cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới chứ không phải biến mình thành một bản sao thu nhỏ của một nơi nào đó. Rồi khi trào lưu hạ nhiệt, Sa Pa sẽ còn lại gì ngoài một đống ngổn ngang những thứ tạp nham, vô giá trị.