Sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp góp phần giảm phát thải ra môi trường

Thảo Duyên
Việc triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch đã giúp nhiều doanh nghiệp thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm, giảm phát thải ra môi trường. 

Theo VTV.vn, tại Hà Nội, Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã tổ chức “Hội thảo Tập huấn nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp” nhằm giới thiệu mô hình, lợi ích và xu hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái trên thế giới cũng như giới thiệu về phương pháp thực hiện chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

san-xuat-sach-hon-va-cong-sinh-cong-nghiep-gop-phan-giam-phat-thai-ra-moi-truong-dulichvnnetvn-doi-song-1638414007.jpg
Hội thảo Tập huấn nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp

Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) cho hay việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mô hình CSCN, ông Thắng cho biết: Dự án đánh giá về khả năng chuyển đổi từ mô hình KCN thông thường sang KCN sinh thái nhằm phát hiện cơ hội CSCN thực hiện tại 3 địa phương Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy, có rất nhiều cơ hội cho mô hình CSCN và bản thân các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến mô hình này.

Tại Ninh Bình, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 22 doanh nghiệp và phát hiện được 14 cơ hội cộng sinh, sau đó lựa chọn ra được 4 cơ hội để nghiên cứu, phát triển chuyên sâu; tương tự tại TP. Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 57 doanh nghiệp và phát hiện được 22 cơ hội cộng sinh, từ đó lựa chọn ra 7 cơ hội để nghiên cứu cụ thể. Tại Cần Thơ, nhóm nghiên cứu khảo sát 58 doanh nghiệp, phát hiện 24 cơ hội cộng sinh và lựa chọn 8 cơ hội nghiên cứu chuyên sâu. Trong đó, có những cơ hội CSCN đã được triển khai trên thực tế, điển hình là cơ hội CSCN trong ngành bia và dịch vụ năng lượng. Cụ thể là thu hồi khí thải bioga của hệ thống xử lý nước thải của công ty bia, sử dụng làm nguyên liệu lò hơi của công ty dịch vụ năng lượng và sau khi sản xuất hơi lại cung cấp ngược lại cho công ty bia để làm năng lượng nhiệt trong quá trình sản xuất. Đây là loại hình cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải, mục tiêu của cơ hội này là tận thu khí bioga từ khu xử lý nước thải của nhà máy bia để thay thế một phần nhiên liệu đốt lò hơi của công ty dịch vụ năng lượng.

san-xuat-sach-hon-va-cong-sinh-cong-nghiep-gop-phan-giam-phat-thai-ra-moi-truong-dulichvnnetvn-1-doi-songjpg-1638414056.png
Ông Đinh Mạnh Thắng (ngoài cùng bên trái) – Chuyên gia của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam

Ông Thắng ví dụ cụ thể về một doanh nghiệp về ngành sữa, tiêu thụ nước nhiều nên nước thải nhiều, nước thải đạt loại A - Tiêu chuẩn Việt Nam nhưng chưa thể tái sử dụng. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả thì thu lợi ích rõ rệt. Tổng đầu tư là 600 triệu đồng, lợi ích thu về mỗi năm là 1 tỷ đồng, giảm tiêu thụ điện, giảm phát thải khí CO2...

Hay một doanh nghiệp trong ngành bia, trước đó tiêu thụ năng lượng khá cao, tiêu thụ nước lớn so với các công ty trong cùng hệ thống; có máy móc, đèn, thiết bị động cơ bị hỏng chưa rõ nguyên nhân. Sau khi tập huấn cho doanh nghiệp và triển khai hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, lợi ích thu về của doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp đầu tư 2,35 tỷ đồng cho hệ thống nhưng thu lợi ích về 5,56 tỷ đồng mỗi năm.

Bà Nguyễn Thị Truyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài nguyên và môi trường (NREC), hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn là cách nhìn mới và sáng tạo về sản phẩm và quy trình làm ra. Chưa nói tới đầu tư lớn hay nhỏ mà quan trọng là cách quản lý tốt, quyết tâm của lãnh đạo trong việc hình thành hệ thống sản xuất sạch hơn.

san-xuat-sach-hon-va-cong-sinh-cong-nghiep-gop-phan-giam-phat-thai-ra-moi-truong-dulichvnnetvn-21-doi-songjpg-1638414082.png
Bà Nguyễn Thị Truyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài nguyên và môi trường (NREC)

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp, bà Truyền cho rằng: Sản xuất sạch hơn không ở đâu xa, mà len lỏi trong chính công việc hàng ngày của người công nhân. Nếu Ban lãnh đạo doanh nghiệp có sự quyết tâm, quản lý tốt, hình thành được đội sản xuất sạch hơn, hoạt động hiệu quả với sự tư vấn của các chuyên gia lành nghề, đồng thời liên tục đào tạo hướng dẫn, thiết lập hệ thống giám sát dữ liệu, bên cạnh đó không ngừng cải tiến trong quá trình sản xuất và thực hiện giải pháp kỹ thuật, biến hoạt động này trở thành một cấu phần trong hoạt động sản xuất của mình thì RECP chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp.

Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua với các khu công nghiệp đã được thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, và tiếp tục phát triển mạnh mô hình này Hải Phòng, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và dự kiến nhân rộng trên cả nước thời gian tới.

Nguồn VTV.vn