Ban Tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Ban Tổ chức 248) đã giới thiệu Đề án Hội chợ triển lãm “Sản phẩm có trách nhiệm với Xã hội và Môi trường 2022” tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Và là một trong những sự kiện sẽ được diễn ra hàng năm trong khuôn khổ hoạt động của Ban tổ chức 248.
Hội chợ triển lãm sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường 2022 do Ban Tổ chức 248 phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch và các Bộ, Ban, Nghành liên quan tổ chức, Hiệp hội phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần IEX Group là đơn vị thực hiện trên nền tảng công nghệ thực tế ảo.
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vi Thanh Hoài, muốn kinh tế phát triển không thể thiếu doanh nghiệp, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường từ trong sản xuất đến tiêu dùng đang trở thành mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Văn hoá kinh doanh là một khái niệm rộng, để xây văn văn hoá kinh doanh phải xuất phát từ văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là là linh hồn, yếu tố cấu thành phát triển doanh nghiệp bền vững. Do đó, Hội chợ triển lãm Sản phẩm có trách nhiệm với xã hội 2022 còn có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội.
‘Việc áp dụng công nghệ vào triển lãm giúp giảm thiểu về kinh phí, giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với nhau. Sự ủng hộ và tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong và ngoài nước và là cầu nối hữu hiệu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến, mở rộng hợp tác đầu tư để tiếp tục phát triển thành công; thể hiện được trách nhiệm của sản phẩm doanh nghiệp đối với xã hội và môi trường, tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, tăng năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn tích hợp đa giá trị’ - ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến Thương Mại Bộ Công Thương bày tỏ.
Thông tin về điều kiện sản phẩm tham gia Hội chợ triển lãm này, ông Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam – Trưởng Ban Tổ chức cho biết, các sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường sẽ được lựa chọn dựa trên tiêu chí là sản phẩm không làm ảnh hưởng môi trường xã hội, có ảnh hưởng, đóng góp tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, sản phẩm phải thể hiện được tính cạnh tranh khi yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao.
Các hoạt động chính của Hội chợ triển lãm bao gồm: trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường; xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; Tọa đàm với chủ đề Vai trò Doanh nhân, Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội; trao chứng nhận cho các Nhà tài trợ tích cực hưởng ứng sự kiện và có sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Trong sự phát triển của công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thực tế ảo đã và đang là một xu hướng công nghệ phát triển và phổ biến trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp tham dự Hội chợ triển lãm sẽ được nhận diện thương hiệu, sản phẩm trong không gian showroom ảo với đa tính năng liên kết, là cơ hội được kết nối giao thương hiệu quả theo mô hình B2B và B2C. “Việc tổ chức hội chợ triển lãm ảo cũng là một trong những hoạt động tích cực để xúc tiến đầu tư và thương mại với mục tiêu đồng hành với doanh nghiệp trong thời đại công nghệ. Vừa góp phần quảng bá thương hiệu, vừa tạo cơ hội tìm kiếm đối tác kinh doanh hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay” - Ông Nguyễn Thăng Long – Tổng giám đốc Công ty cổ phần IEX Group – đơn vị thực hiện Hội chợ triển lãm nói.
Nguồn: Ban Tổ chức 248