Thương nhân tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử

Hà Phương
Khảo sát nhanh 60 doanh nghiệp của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) ở các lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, logistics và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị số, giải pháp kinh doanh số giai đoạn 6-9/2021 cho thấy, xu hướng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, website và dứng dụng di động của các thương nhân đã được chú trọng và khởi sắc mạnh mẽ. 
mua-sam-truc-tuyen-da-tro-thanh-thoi-quen-cua-nguoi-tieu-dung-giai-doan-binh-thuong-moi-3-dulichvnnetvn-baodulich-1643129581.jpg

Theo khảo sát của VECOM, trong đợt dịch thứ tư hầu hết hoạt động bán hàng bị phong tỏa, thậm chí nhiều mặt hàng thiết yếu không được bán trực tiếp mà chỉ được bán trực tuyến. Trong hoàn cảnh đó, các thương nhân đã sử dụng nhiều công cụ số để có thể duy trì mối quan hệ với khách hàng, bán hàng online, bao gồm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, tại website hay ứng dụng di động của đơn vị và trên các mạng xã hội. Một trong các kênh bán hàng trực tuyến quan trọng là các sàn thương mại điện tử. Kết quả khảo sát 4 sàn thương mại điện tử thuộc nhóm các sàn lớn nhất cho thấy trong giai đoạn này nhiều gian hàng mới đã được đăng ký. Cả 4 sàn đều chứng kiến sự tăng lên mạnh mẽ của các gian hàng mới so với cùng kỳ năm 2020. Thậm chí trong đợt dịch thứ tư, số lượng gian hàng mới tăng lên cao hơn cả kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Các sàn thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân. Nhiều giải pháp kinh doanh mới trên sàn được đẩy mạnh như việc khai thác các kênh livestream, tổ chức các chương trình khuyến mại...

Các sàn thương mại điện tử cũng chủ động mở rộng phạm vi hoạt động để thu hút thêm nhà bán hàng mới với lĩnh vực kinh doanh đa dạng. Hoạt động hỗ trợ giải cứu nông sản được tổ chức rầm rộ trên các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart, Voso...

Đối với thương nhân tại Việt Nam, báo cáo e-Conomy SEA 2021 không chỉ ra rõ ràng thời điểm khảo sát, nhưng có thể đoán chừng là trong đợt dịch thứ tư, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Tuy sử dụng trung bình 2 nền tảng kỹ thuật số, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họ. Nhiều nhà bán hàng đang dùng các công cụ kỹ thuật số để thu hút khách hàng và 72% dự kiến sẽ tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị này trong 5 năm tới.

mua-sam-truc-tuyen-da-tro-thanh-thoi-quen-cua-nguoi-tieu-dung-giai-doan-binh-thuong-moi-1-dulichvnnetvn-baodulich-1643129630.jpg

Nhiều thương nhân đã tăng cường bán sản phẩm trên website của mình. Do nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của khách hàng trong đợt dịch thứ tư rất lớn nên kết quả kinh doanh trên website cũng có sự khác biệt rõ ràng giữa những thương nhân bán hàng thiết yếu với các thương nhân còn lại. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm website bán hàng thiết yếu có sự tăng trưởng khách hàng so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng trên 6%, thậm chí có thương nhân tăng trưởng khách hàng đến 100%. Với nhóm website bán hàng không thiết yếu, lượng khách hàng đều giảm với mức giảm trong khoảng từ 5% tới 95%. Đối với tỷ lệ tăng trưởng đơn hàng và giá trị trung bình của đơn hàng, nhóm nào cũng chứng kiến sự tăng hoặc giảm.

Nguồn: VECOM