Vietnam Airlines đặt kế hoạch lỗ hơn 9.300 tỷ đồng năm 2022

Huy Hoàng
Dù mục tiêu doanh thu tăng song chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến vẫn là con số âm. Vietnam Airlines có thể ghi dấu mốc lỗ 3 năm liên tiếp và phải hủy niêm yết trên HoSE.

Bài viết trên Người đưa tin (https://www.nguoiduatin.vn/vietnam-airlines-dat-ke-hoach-lo-hon-9-300-ty-dong-nam-2022-a557571.html) Tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines (HoSE: HVN) ngày 28/6 tới đây tiết lộ nhiều thông tin xoay quanh kế hoạch kinh doanh của hãng hàng không quốc gia. Theo đó, Vietnam Airlines tiếp tục đặt kế hoạch lỗ.

Cụ thể, bài viết nêu: "Vietnam Airlines lên kế hoạch kinh doanh năm nay đạt doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng. Mức lỗ này đã giảm 23,5% so với khoản lỗ năm 2021.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ vận chuyển 17 triệu khách, hành khách luân chuyển là 19,7 tỷ khách.km. Hãng hàng không cũng dự kiến vận chuyển 271.200 tấn hàng hóa.

Năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất 29.752 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2020. Công ty trong năm 2021 lỗ 13.279 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy lên 21.961 tỷ đồng (tính đến hết năm 2021). Do vậy, Vietnam Airlines sẽ không chia cổ tức năm 2021.

Bên cạnh đó, hãng hàng không này cũng trình cổ đông thông qua bổ sung điều lệ về việc chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines. Cụ thể, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài công ty, bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vào CTCP, công ty TNHH thực hiện theo quy định, đảm bảo các nguyên tắc tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; phản ánh đầy đủ giá trị doanh nghiệp bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc thị trường.

Với việc bổ sung điều lệ trên, nhiệm vụ trọng tâm của Vietnam Airlines năm nay đó chính là tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong đó doanh nghiệp hàng không này sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu, cùng với đó là chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên".

Đặc biệt, trong bài, tác giả cũng đã thông tin ý kiến của Ban lãnh đạo Vietnam Airlines nhìn nhận 'tình hình tài chính Pacific Airlines tính đến tháng 6/2022 rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. "Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành với doanh nghiệp nhà nước", tài liệu họp ĐHĐCĐ 2022 nêu'.

'Tại đại hội, cổ đông cũng sẽ thông qua việc miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Tomoji Ishii do có đơn từ nhiệm ngày 31/3. Vietnam Airlines sẽ tiến hành bầu bổ sung Hiroyuki Kometani để thay thế. Ông Hiroyuki sinh năm 1965, quốc tịch Nhật Bản, hiện là Phó Chủ tịch cấp cao Ana Holdings - đối tác chiến lược của Vietnam Airlines.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, 2021 và quý I/2022 ghi lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm tại thời điểm 31/3. Đó là lý do cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát

Về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, doanh nghiệp hàng không đã hoàn thành Đề án cơ cấu để báo cáo Đại hội cổ đông thông qua. Đề án gồm 3 giải pháp.

Thứ nhất, Vietnam Airlines cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Thứ hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền trong giai đoạn 2022-2024. Tổng công ty sẽ triển khai bán/bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này thực hiện trong năm 2022-2024.

Thứ ba là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến thực hiện năm 2023-2024. Tháng 9/2021, doanh nghiệp này cũng đã phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng.

Quý đầu năm 2022, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng. Hãng này đạt tổng doanh thu 11.683 tỷ đồng, tăng khoảng 55%, tương ứng 4.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng song giá vốn bán hàng của hãng hàng không này cũng tăng theo, từ mức 10.400 tỷ đồng lên 13.200 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Chi phí bán hàng trong quý của Vietnam Airlines giảm xuống còn 364 tỷ đồng song các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 528 tỷ đồng và 390 tỷ đồng. Khấu trừ thêm các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 2.621 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp hàng không này lỗ gần 30 tỷ đồng.

Khoản lỗ quý đầu năm nâng tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.574 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160,8 tỷ đồng' - bài viết trên Người đưa tin cho hay.

Nguồn: nguoiduatin