Theo zing,vn, 3 kịch bản xuất khẩu vải thiều Bắc Giang đã được UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng chi tiết. Cụ thể theo văn bản ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều cùng nhiều giải pháp hỗ trợ việc mua/bán vải của UBND tỉnh Bắc Giang được đưa ra như sau:
Theo kịch bản một, dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu. thị trường trong nước sẽ tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử. Thị trường xuất khẩu gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…
Với kịch bản 2, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn).
Hiện tại, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Ảnh: L.H. |
Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền (TP.HCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.
Ở kịch bản 3, dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Cụ thể, sẽ tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến; hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và nước ngoài.