'Cò đến từng nhà hỏi mua đất quanh sân bay Téc Ních'

Hà Bùi
Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, giới đầu cơ tứ xứ đổ về huyện Hớn Quản (Bình Phước) thu mua và rao bán đất làm náo loạn đời sống của người dân địa phương.

Gần một tuần qua, người dân huyện Hớn Quản (Bình Phước) - nơi kinh tế của người dân chủ yếu gắn liền với cây cao su, cây điều - bỗng trở nên ồn ào bởi một cơn "sốt đất" chưa từng có.

Ngày 27/2, đi sâu vào một con đường đất đỏ tại xã Tân Lợi, nằm song song với đoạn đường băng còn sót lại của sân bay Téc Ních (Technique), PV Zing tìm đến một ngôi nhà nhỏ nằm giữa rừng cây cao su.

Chỉ 3 ngày trước, giữa rừng cao su tĩnh lặng này, hàng đoàn ôtô chở người từ xa đến mua bán đất đai sôi động.

"Cò" đến từng nhà hỏi mua đất

"Từ ngày 22 đến ngày 26/2, ở đây còn đông vui hơn hội nữa", chị Hoàng Hộ (48 tuổi), so sánh ngắn gọn những gì đã chứng kiến trong mấy ngày qua. Bố mẹ chị Hộ sống trong căn nhà trên mảnh đất rộng 3 ha nằm sát sân bay Téc Ních. Gia đình với 5 người lớn và trẻ em sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cạo mủ cao su.

Chị cho biết trong những ngày qua, rất nhiều môi giới tập trung về khu vực vòng xoay ngã 6 trước Khu du lịch thác số 4 và trục đường hướng về xã An Khương. Các con đường trong xã kẹt cứng với những chiếc xe hơi với biển số từ Hà Nội, Ninh Bình, Bình Dương, TP.HCM....

co-den-tung-nha-hoi-mua-dat-quanh-san-bay-tec-nich-1615780700.jpg
Con đường đất đỏ nằm song song với đường băng còn sót lại của sân bay Téc Ních. Ảnh: Quỳnh Danh

"Môi giới tập trung đông đúc thành từng nhóm lớn. Họ gọi điện thoại liên tục để tìm chủ nhà vườn có nhu cầu bán đất. Những ngày đầu, họ đến từng nhà trong khu vực để hỏi mua đất, mặt tiền càng rộng giá càng cao. Mới 2-3 ngày trước, hai bên đường còn có những tấm băng rôn tìm người có nhu cầu bán đất nhưng đến nay đã bị chính quyền địa phương đến dẹp hết", chị Hộ kể lại.Trước đó, ngày 19/2, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cùng đoàn lãnh đạo sở, ngành, đơn vị chuyên môn đã đến huyện Hớn Quản để khảo sát vị trí lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng với quy mô 500 ha. Thông tin này ngay lập tức được các nhóm môi giới từ nhiều tỉnh thành nắm bắt và tập trung về hai xã An Khương, xã Tân Lợi huyện Hớn Quản để "thổi giá" những mảnh đất vốn đang được phủ kín bằng cây cao su.

Chị cũng cho biết trong ngày 25/2, rất nhiều người tìm đến hỏi mua 3 ha đất nhà bố mẹ chị.

"Thú thực, gia đình tôi cũng đã cân nhắc. Nếu được giá tốt, nhà tôi sẽ bán vườn cao su này để chuyển ra khu vực trung tâm hơn do bố mẹ tôi đã lớn tuổi, ngày chưa sáng vẫn phải đi cạo mủ cao su rất vất vả. Nhà tôi có đông anh em cao su lại mất giá nhiều so với trước đây, 4-5 người lớn và trẻ nhỏ sống phụ thuộc vào nguồn thu từ bán mủ cao su chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng", người phụ nữ này chia sẻ.

co-den-tung-nha-hoi-mua-dat-quanh-san-bay-tec-nich-dulich1-1615780735.jpg
Bà Hoàng Hộ trong vườn cao su của gia đình tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản. Ảnh: Quỳnh Danh

Cuối cùng, sau khi chính quyền địa phương công bố thông tin dự án mới chỉ ở bước khảo sát, chưa đề xuất lên Chính phủ, người môi giới này lại cho biết không thu mua đất nữa.Ban đầu, môi giới trả giá cho gia đình chị khoảng 6-7 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, 2 ngày sau họ gọi lại và nói chỉ trả được khoảng 2-3 tỷ đồng/ha, không còn giữ được giá tốt như trước do "thị trường ngưng".

Mua đi bán lại với nhau để làm giá

Sáng 27/2, rải rác những chiếc ôtô treo băng rôn với các dòng chữ “mua bán đất sân bay Téc Ních”, “bán đất sân bay giá rẻ”, “mua bán đất” trên dọc đường đến xã Tân Lợi.

Sống ngay tại ngã 6 trước trước Khu du lịch thác số 4, nơi còn tập trung 5-7 chiếc ôtô mang biển số tỉnh khác, bà Huệ cho biết mấy ngày trước, xe của người lên xã Tân Lợi "đông như trẩy hội", Công an huyện phải có mặt để phân luồng. Là người sinh ra và lớn lên ở đây hơn 50 năm, bà cho biết giá đất bị đẩy lên cao một cách chóng mặt.

"Trước có thông tin về việc mở rộng sân bay Téc Ních, đất mặt đường ở đây chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/mét ngang. Tuy nhiên, đến nay giá đất đã bị đẩy lên cao gấp 15-20 lần, lên đến 100-300 triệu đồng/mét ngang.

Cách nhà bà Huệ không xa, tại ấp 5, xã An Khương, theo ghi nhận của Zing, nhiều vườn trồng cao su, trồng điều của người dân cũng đã bị chặt bỏ, san lấp đất để phân lô bán nền. Các lô đất diện tích khoảng 1.000 m2 được môi giới gọi là đất "dự án" chào bán với giá khoảng 5 tỷ đồng/lô.

Trong vai người tìm mua đất với tài chính dưới 1 tỷ đồng, PV được môi giới mời mua 2 lô đất trồng cây lâu năm liền kề nhau, nằm cách sân bay khoảng 5-7 km với giá tổng 1,05 tỷ đồng.

co-den-tung-nha-hoi-mua-dat-quanh-san-bay-tec-nich-dulich-1615780774.jpg
Những lô đất lớn trồng điều mặt tiền đường hướng từ xã Tân Lợi về xã An Khương (huyện Hớn Quản, Bình Phước) bị máy xúc san lấp nhằm phân lô bán nền. Ảnh: Quỳnh Danh

"Bọn em lên đây (huyện Hớn Quản) từ đầu tuần, mấy hôm nay chính quyền đuổi rát quá nên anh em chia nhau dạt đi nhiều điểm. Một số nhóm cũng rút bớt", người này giải thích về khung cảnh vắng lặng so với những ngày trước đó.Một môi giới tên Phong cho biết những lô đất có mặt tiền đường đã có giá rất cao, từ vài tỷ đến hàng hơn chục tỷ đồng. Nếu muốn mua đất có giá thấp phải chọn những vị trí xa sân bay hơn.

Thực tế, nhiều người dân địa phương tại đây cho biết tình hình mua bán đất trong những ngày qua rất náo loạn, người mua đất bị bỏ cọc liên tục do có khách khác sẵn sàng trả giá cao hơn và đặt cọc với số tiền lớn hơn.

"Người dân ở đây không có nhiều kinh nghiệm với việc buôn bán đất diễn ra chóng mặt như vậy. Nhiều người nói khách mua đất chủ yếu với mục đích lướt sóng. Môi giới dẫn khách vào đặt cọc nhưng ngay sau đó lại đưa khách mới vào đặt cọc cao hơn với mục đích thổi giá thị trường, đánh vào lòng tham của người mua", ông H.V.T, người sở hữu một vườn cao su gần 5 ha tại đây nói.

Đẩy mạnh quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư huyện ủy Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết đến nay, dự án sân bay Téc Ních vẫn chưa được triển khai và mới chỉ dừng lại ở bước khảo sát để làm quy hoạch.

"Sau khi thông tin về việc khảo sát được công bố, chúng tôi nhận được thông tin có nhiều môi giới từ các địa phương khác tập trung về đây. Sau 3 ngày, lãnh đạo huyện Hớn Quản đã nhanh chóng có chỉ đạo xuống địa phương và có nhiều biện pháp khắc phục, đến giờ này tình hình đã đi vào ổn định, nhiều môi giới đã rút khỏi địa phương", bà Nguyễn Thị Xuân Hòa nói.

co-den-tung-nha-hoi-mua-dat-quanh-san-bay-tec-nich-dulich2-1615780809.jpg
Môi giới túc trực tại các tuyến đường xung quanh sân bay Téc Ních để tìm khách có nhu cầu mua đất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo trực tiếp trong buổi giao ban, đưa lực lượng xuống các xã Tân Lợi và An Khương để vận động bà con, đồng bào không bán đất, tránh thiệt hại về kinh tế.Đồng thời, vị này cho biết địa phương đã tuyên truyền đến người dân thông qua tuyên truyền trực tiếp và đăng tải trên các kênh thông tin điện tử của huyện.

Trước đó, ngày 26/2, bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, đã có văn bản đề nghị công an và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Chủ tịch huyện Hớn Quản yêu cầu các xã tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng; xử lý nghiêm những trường hợp tụ tập đông người không có tổ chức, trái phép, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền thông tin về chủ trương quy hoạch sân bay Téc Ních đến người dân; khuyến cáo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không để các "cò đất" xúi giục bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất, có nguy cơ đói nghèo.

UBND huyện Hớn Quản cũng lưu ý sẽ kiên quyết không công nhận, cập nhật các tuyến đường tự mở để phân lô bán nền trái quy hoạch.

https://zingnews.vn/co-den-tung-nha-hoi-mua-dat-quanh-san-bay-tec-nich-post1188068.html