Định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tại Hà Nội hôm 5/10. Diễn đàn nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ưu tiên lĩnh vực tạo sản phẩm có giá trị kinh tế
Phát biểu tại sự kiện, ông Cao Đức Phát - Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cho biết: Cây trồng chuyển gen là một thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, cây trồng chuyển gen chính thức được thương mại hóa trên thế giới và việc ứng dụng cây trồng này đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có.
“Công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu trong 30 năm qua. Những công nghệ nổi bật như nuôi cấy mô đã cải thiện năng suất cây trồng như ngô, đậu tương, bông, đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực toàn cầu và giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” - ông Cao Đức Phát khẳng định.
Trên thế giới, diện tích cây trồng biến đổi gen hiện chiếm khoảng 200 triệu ha, trong đó đậu tương chiếm 80% và ngô hơn 25%. Công nghệ sinh học cũng giúp thúc đẩy việc sử dụng các chế phẩm sinh học, nâng cao hiệu quả mùa vụ và thu nhập cho người nông dân.
“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức”, ông Phát nhận định.
Theo Chủ tịch IRRI, công nghệ sinh học đã và phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành nông nghiệp đạt được những đỉnh cao mới. Giới hạn áp dụng công nghệ sinh học cũng không còn bó buộc trong trồng trọt, mà mở ra sang chăn nuôi, thủy sản.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số và AI là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho công nghệ sinh học phát triển mạnh hơn.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) nhận định: “Tác động của công nghệ sinh học tương đối khó cảm nhận”.
Nguyên nhân là bởi nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có độ trễ so với thực tế. Những điều chỉnh hôm nay phải nhiều năm sau mới bắt đầu phát huy tác dụng.
Theo ông Ninh, trong giai đoạn từ nay đến 2030, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ bị giảm so với cách đây 10 năm. Một phần nguyên nhân là bởi một số rào cản về các cơ chế, chính sách, điển hình là Nghị định 70.
“Kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách Nhà nước sẽ được xem là tài sản Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp dần kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học”, ông Ninh nói.
Do nguồn lực bị giới hạn nên đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng khi nghiên cứu công nghệ sinh học nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế. Đồng thời, tập trung vào kỹ thuật di truyền, bao gồm chỉnh sửa gen, nhân giống vô tính và tái tổ hợp ADN.
Cần đánh giá tổng thể giống mới, hành lang pháp lý để có cách tiếp cận mới
Bà Sonny Tababa - Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.
"Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất. Đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được", bà Sonny nói.
Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á nhấn mạnh, công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, vị này khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện cả về nông sản lẫn dịch hại để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.
Theo đại diện của CropLife, cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, mở đường cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới. Bên cạnh việc tự nghiên cứu về biến đổi gen, Việt Nam có thể tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…
Theo GS.TS Lê Huy Hàm, Việt Nam đến năm 2020 đã tạo ra 80 giống lúa, đậu tương, ngô, rau, hoa bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến gen trong đó Viện Di truyền Nông nghiệp có 37 giống, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam có 14 giống, Sở NN&PTNT Sóc Trăng có 7 giống… Chúng đã được đưa vào sản xuất từ lâu.
Tuy nhiên, câu chuyện tạo giống biến đổi gen lại hoàn toàn khác, kỹ thuật cao, công phu hơn rất nhiều. Người ta tính trung bình để tạo ra 1 giống cây trồng biến đổi gen các tập đoàn trên thế giới phải mất 136 triệu USD, 13 năm, huy động hơn 4.000 nhà chuyên môn, thử nghiệm 6.200 gen, thử nghiệm 2.000 lần ngoài đồng ruộng.
Kinh phí ấy, thời gian ấy đều là không tưởng với Việt Nam bởi chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp cho cả nước mà chỉ có 1.000 tỉ đồng.
Cho đến nay, Việt Nam đã có hàng chục đề tài tạo giống biến đổi gen nhưng vẫn chưa thể đưa vào sản xuất. Phải tạo ra giống và đưa được vào sản xuất thì mới được coi là thành công. Việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam mới chỉ trên cây ngô và đều phải nhập giống từ nước ngoài về.
Dẫn thống kê từ năm 2015-2023, ông Đinh Công Chính - Cục Trồng trọt cho biết, diện tích ngô giảm từ gần 1,2 triệu ha xuống 884.000 ha, năng suất năm 2015 đạt 44,8 tạ/ha nhưng đến năm 2023 chỉ tăng lên 50,2 tạ/ha.
Như vậy, trong 10 năm qua khi đưa ngô chuyển gen vào sản xuất, năng suất ngô của Việt Nam chỉ tăng được lên 540kg/ha (trung bình tăng 54kg/ha/năm). Trong khi đó, tỉ lệ nhập khẩu tăng từ 58,8% lên 68,6%.
Theo ông Chính, diện tích ngô ở Việt Nam giảm dần. Mặc dù năng suất ngô có tăng, nhưng con số này vẫn rất thấp so với kỳ vọng. Do đó, cần tập trung vào hệ vi sinh vật đất và đa dạng sinh học để cải thiện năng suất ngô trong thời gian tới.
Trước mắt, ông Chính kêu gọi các đơn vị cung ứng giống phối hợp chặt chẽ với các sở NN&PTNT địa phương để lập kế hoạch phát triển trung và dài hạn cho các vùng sản xuất ngô chuyên canh lớn.
Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA), đến nay đã có 73 nước trên toàn thế giới chấp nhận cây trồng chuyển gen, bởi chúng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng, tiết giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu mỗi vụ.
Do đó, diễn đàn được tổ chức nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, diễn đàn hướng tới việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững trong nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận tri thức mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những tiến bộ và triển vọng về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn và viện nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT đã trình bày những kết quả nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen. Đồng thời, 90 đại biểu tham dự diễn đàn cùng thảo luận về định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam.
Định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững
Nguồn: NĐT, NNVN, ĐBND