Doanh nghiệp cần bao nhiêu chi phí cho các thủ tục hành chính?

Gia Huy - Hoàng Giang
Theo báo cáo vừa được công bố, nhóm thủ tục hành chính (TTHC) về Thuế đứng đầu mức độ cải thiện Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI). Nhìn chung, so sánh kết quả APCI trong 3 năm qua cho thấy kết quả năm 2020 tốt hơn hai năm trước, cho thấy quyết tâm cải cách của Chính phủ, từng Bộ, ngành, địa phương.

APCI 2020 phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan

Phát biểu tại họp báo công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020) sáng 17/3 do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng tổ chức, ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME (Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ), đánh giá cao các biện pháp và sáng kiến chủ động, tích cực của Hội đồng trong việc thúc đẩy cải cách TTHC của Việt Nam.

doanh-nghiep-can-bao-nhieu-chi-phi-cho-cac-thu-tuc-hanh-chinh-dulich-du-lich-viet-nam-dulicvn-baodulich-bao-du-lich-1616039384.jpg
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

APCI giúp Chính phủ nhận diện rõ hơn các chi phí tuân thủ TTHC đồng thời cũng cung cấp cho Chính phủ những gợi ý tạo ra cân bằng giữa lợi ích và chi phí của các TTHC, tiếp tục cải thiện công tác quản lý dịch vụ công, duy trì năng lực cạnh tranh.Lần đầu ra mắt năm 2018, APCI phản ánh nhận thức rằng các TTHC đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nhưng cũng tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, qua đó đè nặng lên vai người tiêu dùng vì giá cả của hàng hóa và dịch vụ cao hơn, giảm năng lực canh tranh của doanh nghiệp.

“Kết quả của APCI 2020 cho thấy sự cải thiện đáng kể so với kết quả APCI 2018, 2019. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên APCI 2020 cho thấy vẫn còn dư dịa để tiếp tục công cuộc cải cách TTHC, điều này đòi hỏi nỗ lực của tập thể Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Daniel Fitzpatrick nêu nhận định.

Thuế là nhóm thủ tục có chi phí tuân thủ TTHC thấp nhất

Tại cuộc họp báo, chuyên gia nghiên cứu APCI, Dự án USAID LinkSME giới thiệu kết quả Chỉ số APCI 2020.

Chỉ số APCI được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, Báo cáo APCI 2020 là báo cáo được thực hiện lần thứ 3.

Trong năm thứ 3, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019 (từ tháng 07 đến tháng 12/2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện TTHC.

Theo đó, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC trên cả nước theo quy định hiện hành.

Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần: Chi phí thời gianChi phí trực tiếp phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC.

Trong đó, chi phí thời gian thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành (nhận kết quả TTHC). Chi phí thời gian trung bình cho mỗi nhóm TTHC được tính là trung bình cộng của chi phí của tất cả các doanh nghiệp tự thực hiện TTHC, không bao gồm các doanh nghiệp thuê trung gian/bên thứ ba để thực hiện TTHC.

Chi phí trực tiếp là chi phí doanh nghiệp đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả của TTHC.

Theo kết quả khảo sát APCI 2020, chi phí thành phần trung bình của các nhóm TTHC được xếp thứ tự từ thấp đến cao và không nhằm mục đích so sánh giữa các ngành, các nhóm thủ tục với nhau bởi sự khác nhau về mục tiêu quản lý và các yêu cầu kỹ thuật với từng nhóm TTHC.

Kết quả khảo sát APCI 2020 của các nhóm TTHC
(Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp APCI 2020)

Nhóm TTHC

CPTT trung bình (nghìn đồng)

TAX - Thuế

267

KNG - Khởi sự doanh nghiệp

952

KTN - Kiểm tra chuyên ngành

3.038

DDA - Đất đai

4.304

GTB - Giao dịch thương mại qua biên giới

5.154

DDK - Điều kiện kinh doanh

6.878

DTU - Đầu tư

9.146

XDG - Xây dựng

25.276

MTR - Môi trường

63.317

Như vậy, theo kết quả này, đứng đầu về chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 của nhóm TTHC là lĩnh vực môi trường với trên 63.317 nghìn đồng; thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 25.276 nghìn đồng; thứ 3 là lĩnh vực đầu tư với 9.146 nghìn đồng, APCI thấp nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát là lĩnh vực Thuế với 267 nghìn đồng.

Lý giải của chuyên gia cho thấy, với nhóm TTHC Môi trường, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP. Sự thay đổi lớn nhất chính là thay đổi trong phương pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, và quản lý đúng đối tượng.

Để thực hiện TTHC trong nhóm Môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ; chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với nhóm TTHC Thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.

Khảo sát APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.

doanh-nghiep-can-bao-nhieu-chi-phi-cho-cac-thu-tuc-hanh-chinh-dulich-du-lich-viet-nam-dulicvn-baodulich-bao-du-lich-1-1616039421.jpg
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

So sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy chỉ có 4 trong số 9 nhóm TTHC có cải thiện.4/9 nhóm TTHC cải thiện so với APCI năm 2019

Điểm APCI 2020 của các nhóm TTHC so với APCI 2019
Nguồn: Khảo sát APCI 2019 và 2020

Theo các chuyên gia, số liệu này phản ánh thực tế trải nghiệm của các doanh nghiệp đối với kết quả cải cách TTHC của Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc nói chung để giảm chi phí tuân thủ trong thời gian qua.

Mức độ cải thiện theo từng chỉ số thành phần của các nhóm TTHC
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp APCI 2020


Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC Thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019.

Theo báo cáo, sự cải thiện của nhóm Thuế có được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm Kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Nhóm Kiểm tra chuyên ngành có thể còn tiếp tục được duy trì cải thiện nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.

Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm Môi trường chưa phải thực chất, dù trong hai năm gần đây, phương thức quản lý môi trường đã có những đột phá, “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Phương thức này yêu cầu đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp) phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường, nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp chưa thay đổi một cách tương xứng.

Các nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù đây vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.

5 khuyến nghị cải cách từ APCI 2020

Gửi thông điệp cải cách từ APCI 2020, các chuyên gia cho biết sau những cải cách liên tục, bền bỉ và quyết liệt của Chính phủ đối với các TTHC cho người dân và doanh nghiệp, APCI 2020 đã thể hiện được quyết tâm của Chính phủ, từng cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong cải cách TTHC, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách nền hành chính, phòng chống tham nhũng và cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ TTHC và tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Thông tin từ khảo sát APCI xuất phát từ những “trải nghiệm thực tế” của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh.

So sánh kết quả APCI 3 năm (2018, 2019 và 2020) cho thấy kết quả APCI 2020 nhìn chung tốt hơn hai năm trước, phần lớn các nhóm TTHC đều có điểm số tốt hơn. Trong số chín nhóm TTHC được đánh giá, nhóm TTHC về Thuế vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số cao, và mức phí tuân thủ thấp.

Kết quả điểm APCI 2020 tốt hơn APCI 2018 và 2019 do phần lớn các nhóm TTHC nhờ vào nhiều biện pháp, hành động của các cơ quan nhà nước ở trung ương đến địa phương, trong đó bao gồm việc sử dụng các thước đo dựa trên các chỉ số độc lập của thế giới và Việt Nam, hay nói cách khác là sử dụng ý kiến của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả làm việc theo chuỗi Nghị quyết 19 trước đây và các Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ trong năm 2019 và 2020.

Các nhóm TTHC về Thuế và Khởi sự doanh nghiệp, hai nhóm dẫn đầu trong APCI 2018, APCI 2019 và 2020 với mức chi phí tuân thủ thấp, là những chỉ dấu tốt thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Mặc dù có những cải thiện đáng kể về điểm APCI (bao gồm thời gian và chi phí tuân thủ) trong năm 2020, Báo cáo 2020 cho thấy còn có nhiều cơ hội cải cách TTHC để giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch và đối mặt các vấn đề phát sinh từ đại dịch COVID-19.

5 khuyến nghị cải cách được đưa ra từ APCI 2020, đó là: Đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới phương thức, công bố, công khai TTHC; nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính; nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.

https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Doanh-nghiep-can-bao-nhieu-chi-phi-cho-cac-thu-tuc-hanh-chinh/426032.vgp