Thuonggiaonline ngày 15/3/2021 thông tin, "lô CX5 KCN An Dương – có chủ đầu tư là doanh nghiệp Trung Quốc - theo quy hoạch là khu vực trồng cây xanh. Tuy nhiên thay vì cây xanh, là những nhà nghỉ được xây dựng bằng cột thép và tấm tường. Ngoài ra còn có khu nhà ăn sang trọng, được trang bị cả dàn karaoke lẫn đèn nháy không khác gì một sàn nhảy hiện đại.
Điều đáng nói là khi trả lời trước máy ghi âm của phóng viên báo chí về các công trình kiên cố này, ông Nguyễn Đức Thịnh – người khi đó là Trưởng phòng Quy hoạch - Xây dựng của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng – đã dùng từ “nhà tạm” để nói về khu “khách sạn” trong KCN An Dương".
Dưới đây là nội dung bài viết Hải Phòng đang... quên sai phạm tại các Khu công nghiệp? của tác giả Tuệ Minh.
Điều gì đã khiến Hải Phòng phải bí mật đến vậy?
Từ “khách sạn” đến “đường lưỡi bò”
Nói sai phạm tại các KCN, KKT Hải Phòng diễn ra trên diện rộng và có hệ thống, bởi các sai phạm này được lãnh đạo của KCN “hiểu” theo một cách khác.
Ví dụ như việc xây dựng trái phép cả một khu nghỉ dưỡng trong KCN An Dương vào tháng 9/2019. Khu nghỉ dưỡng này rộng hàng nghìn m2, có đầy đủ nhà nghỉ chất lượng 4 sao, vườn hoa, hồ nước tạo hình âm dương, lầu vọng nguyệt… trên lô đất CX5 tại KCN An Dương, và chỉ phát hiện khi báo chí nhận được phản ánh từ người dân.
Trong khi đó, lô CX5 KCN An Dương – có chủ đầu tư là doanh nghiệp Trung Quốc - theo quy hoạch là khu vực trồng cây xanh. Tuy nhiên thay vì cây xanh, là những nhà nghỉ được xây dựng bằng cột thép và tấm tường. Ngoài ra còn có khu nhà ăn sang trọng, được trang bị cả dàn karaoke lẫn đèn nháy không khác gì một sàn nhảy hiện đại.
Điều đáng nói là khi trả lời trước máy ghi âm của phóng viên báo chí về các công trình kiên cố này, ông Nguyễn Đức Thịnh – người khi đó là Trưởng phòng Quy hoạch - Xây dựng của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng – đã dùng từ “nhà tạm” để nói về khu “khách sạn” trong KCN An Dương.
Điều đó có nghĩa, vị cán bộ BQL KKT Hải Phòng biết rõ về khu “khách sạn” này, nhưng đang hiểu đó là “nhà tạm”.
Vậy lập luận của ông Thịnh – với tư cách cán bộ phụ trách quản lý xây dựng tại tất cả hoan chục KCN, KKT của Hải Phòng - liệu có chuẩn mực?.
Thực tế, ngay sau cuộc làm việc này, đích thân ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã xuống tận nơi, yêu cầu chủ đầu tư KCN An Dương phải lập tức phá bỏ công trình xây dựng vi phạm quy hoạch mà ông Thịnh đang diễn giải là “nhà tạm”.
Thông tin bổ sung, việc phá bỏ công trình này đã không thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của ông Tùng.
Tới tháng 5/2020, cũng tại KCN An Dương, một công trình công viên mang tên Sơ Tâm được phát hiện có hình dạng đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Thời điểm đó, công trình trên có thể dễ dàng quan sát được thông qua ảnh vệ tinh của Google Maps. Quan sát qua ảnh chụp vệ tinh từ trên cao, nếu lấy vòng tròn có cột đèn chiếu sáng làm đảo Hải Nam, thì công trình xây dựng trên thể hiện rõ đường giới phân cách vịnh Bắc Bộ và đường 9 đoạn của Trung Quốc. Công trình này cũng nằm ngay đường trục chính, ngay trước mặt khu nhà điều hành của KCN An Dương.
Một lần nữa, sau khi người dân có ý kiến về các sai phạm này, Hải Phòng mới yêu cầu chủ đầu tư xử lý tháo dỡ công trình.
“Quên” sai phạm ?
Điều đáng nói, những sai phạm này trong KCN An Dương chỉ được phát hiện khi báo chí nhận được phản ánh của người dân. Trước đó, định kỳ hằng năm, Sở Xây dựng Hải Phòng cùng Ban Quản lý KCN, KKT đều tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ, nhưng… không phát hiện ra sai phạm. Sau khi vụ việc “nhà tạm” tại KCN An Dương bị Chủ tịch UBND thành phố vi hành trực tiếp và bắt phá dỡ ngay, một số ngành chức năng đã được chỉ định vào kiểm tra việc quản lý xây dựng tại các KCN, KKT của Hải Phòng.
Ngạc nhiên là các kết quả việc kiểm tra này gần như không được công khai.
Một tài liệu, được cho là dự thảo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hải Phòng tiến hành có kê rõ chi tiết các sai phạm của nhà thầu, chủ đầu tư, và cơ quan quản lý tại hơn 40 dự án trong các KCN, KKT của Hải Phòng. Trong đó, có nêu cả những dự án vốn đầu tư hàng chục triệu USD “đã hoàn thành mà chưa có giấy phép xây dựng”.
Tuy nhiên, cần nói rõ là dự thảo này hiện nay chưa rõ đã được ban hành hay chưa. Hay thậm chí có... hay không. Trên Cổng thông tin của TP Hải Phòng, các trang của Ban quản lý các KCN, KTT cũng như Sở Xây dựng Hải Phòng đều không có công bố kết luận này.
Thực tế, tại các KCN, KKT của Hải Phòng, việc dự án FDI “đã hoàn thành mà chưa có giấy phép xây dựng” là có thật.
Vào tháng 9/2019, làm việc với báo chí, ông Nguyễn Đức Thịnh – người thời điểm đó là Trưởng phòng Quy hoạch - Xây dựng của BQL KKT Hải Phòng thừa nhận tại KCN VSIP (Thủy Nguyên), dự án của Công ty TNHH HECOM xây dựng trên diện tích 27.000 m² với tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng nhưng… chưa có GPXD.
Tương tự, là dự án nhà máy TAESUNG ENGINEERING VINA tại KCN Tràng Duệ xây dựng trên diện tích 5.000 m², tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng cũng đã hoàn thành, nhưng cũng chưa có GPXD.
Ngay tại buổi làm việc với báo chí vào tháng 9/2019, đại diện BQL KKT Hải Phòng cũng phải yêu cầu dừng thi công một dự án tại KCN An Dương. Ngay tại hiện trường, đại diện phòng Quy hoạch - Xây dựng của BQL KKT không giải thích được vì sao chưa có GPXD mà dự án đã được thi công, ngay trong KCN có vốn FDI của thành phố.
Cần nhấn mạnh, sau một loạt những lình xình liên quan tới quản lý xây dựng, để những công trình nghỉ dưỡng, mô phỏng đường lưỡi bò, rồi không có GPXD, cơi nới… thoải mái mọc lên tại các KKT, KCN, thì lại không rõ Hải Phòng đã thực hiện xử lý tình trạng này như thế nào.
Vậy thì vi phạm xây dựng tại các KCN, KKT Hải Phòng, và xử lý vi phạm có phải là thông tin mật, để đến nỗi thành phố Hải Phòng không thể công bố? Và nếu các thông tin đó không là mật, thì cũng cần đặt câu hỏi Hải Phòng có xử lý tình trạng này không, cả về công trình, dự án vi phạm, cả về cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm?.
http://thuonggiaonline.vn/hai-phong-dang-quen-sai-pham-tai-cac-khu-cong-nghiep-37235.htm