Đó là khẳng định của Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước Ngoài (ALOV) trong Hội nghị xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - Diễn đàn Hợp tác Việt-Hàn VIKO30 - Make the Future Brighter and More Prosperous Together (Thương mại - Đầu tư - Công nghệ) chủ đề “Việt Nam 2045 tầm nhìn và hành động” được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/7. Sự kiện nằm trong chuỗi kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt – Hàn do ALOV, Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đối mới Sáng tạo Việt Nam (VISTART), Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Việt (KOVECA) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Thông tin tại Diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV cho rằng, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã phát triển vượt bậc trên mọi mặt, đã trở thành đối tác chiến lược không ngừng được củng cố. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc đã trở thành một trong các đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trong nhiều năm và hiện tại thời gian qua, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư số một tại Việt Nam, đóng góp rất quan trọng và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc không chỉ tập trung vào một số tỉnh thành có đông dân cư xung quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà dần dần lan toả ra khắp các vùng miền của đất nước Việt Nam, các lĩnh vực đầu tư cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Tại các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo 2 nước đều tiếp tục khẳng định, sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ ngoại giao, trong đó có việc nâng cấp lên hợp tác đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm. Phía Hàn Quốc nhấn mạnh, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, mở rộng quy mô vào Việt Nam tất cả trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, du lịch, giao lưu giữa Nhân dân 2 nước. “Sự kiện lần này sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp… góp phần tích cực vun đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam – hàn Quốc” – Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Vũ Tiến Lộc xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam – Hàn Quốc gần 80 tỷ USD, mỗi bên cũng tương ứng 200.000 người ở mỗi quốc gia. Đây là con số ngẫu nhiên nhưng cho thấy sự tương ứng về kinh tế - văn hóa giữa hai quốc gia. Đặc biệt, xét về sự năng động của chính quyền, của môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số môi trường cạnh tranh khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô đang có các tỉnh dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh tạo ra sự thân thiện hút đầu tư. “Hợp tác của Việt Nam – Hàn Quốc còn ở sự tương đồng ở nền văn minh sông Hồng – sông Hàn với sự hỗ trợ, cam kết đồng hành của hai phía sẽ là động lực để nền kinh tế hai nước phát triển”, ông Lộc nói.
Bày tỏ ý kiến tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế văn hóa Hàn Việt (KOVECA) Kim Kil Soon cho rằng, lịch sử và văn hóa hai nước đều có điểm chung đã tạo ra những thành quả của 30 năm qua. Thành quả lớn nhất trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính là hợp tác kinh tế bao gồm đầu tư và trao đổi thương mại song phương. Kết quả trên xuất phát từ tương đồng về văn hóa cũng như mục tiêu phát triển của hai quốc gia. Đây là thời điểm, chúng ta cùng thực hiện một lời hứa cho tương lai. Đó là sẽ hoạt động tích cực vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua việc tối đa hóa thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, đầu tư… Đặc biệt với sự tham vấn của các cơ quan chức năng của Việt Nam, Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia vào bổn tồn phát triển khu vực Hồ Tây, huyết mạch của Thủ đô Hà Nội, tạo dấu ấn toàn cầu nơi đây. Đồng thời, ông Kim Kil Soon cũng cho hay, sự phát triển toàn diện mối quan hệ song phương giữa hai nước chỉ có thể đạt được trên cơ sở tình hữu nghị, tới đây Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều sự kiện để tăng cường hợp tác, giao lưu cho các doanh nghiệp cũng như người dân.
“Xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong tương lai sẽ có sự thay đổi đáng kể. Trong khu vực ASEAN, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc bằng tổng kim ngạch thương mại song phương của Hàn Quốc với 9 quốc gia còn lại. Về đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam” - ông Kwon Sung-Taek Phó Chủ tịch hiệp hội Văn hóa Kinh tế Hàn-Việt (KOVECA) khẳng định.
Cũng theo ông Kwon Sung-Taek, tại Việt Nam, Hàn Quốc hiện đang đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ ba về hợp tác thương mại. Hai bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường rót vốn vào các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn song song với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có việc triển khai giai đoạn hai dự án Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST)…
(kinhtedothi, doanhnghiepvn)