Hội thảo khoa học lần đầu tiên về đào tạo thương mại điện tử

Vân Nguyễn
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức đã tổ chức Hội thảo khoa học lần đầu tiên về đào tạo thương mại điện tử tại Hà Nội.
hoi-thao-khoa-hoc-lan-dau-tien-ve-dao-tao-thuong-mai-dien-tu-dien-dan-du-lich-dulichvn-1662930366.jpg
Tại Hội thảo về đào tạo thương mại điện tử, các đại biểu đã trao đổi về hai chủ đề chính: Đánh giá nguồn nhân lực và công tác giảng dạy TMĐT tại các trường đại học

Tham dự hội thảo có nhiều đại biểu từ các cơ quan quản lý nước và các tổ chức liên quan tới thương mại điện tử, công nghệ thông tin, logictics, thanh toán, đầu tư, khoa học và công nghệ... Đông đảo đội ngũ giảng viên giảng dạy Thương mại điện tử (TMĐT) từ nhiều trường đại học và các doanh nghiệp TMĐT đã tham dự hội thảo này.

Theo Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2021 đã có nhiều trường đại học bắt đầu đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử. Cũng theo Báo cáo này nhiều trường đại học trên cả nước dự kiến mở ngành thương mại điện tử trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Một số ngành đào tạo khác liên quan tới TMĐT cũng cho thấy nhu cầu nhân lực tăng nhanh. Chẳng hạn, thông tin tuyển sinh vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng năm học 2022 – 2023 thể hiện nhu cầu theo học ngành này rất cao. Đồng thời, từ năm học này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở hai ngành đào tạo mới là Kinh tế số và Công nghệ tài chính (Fintech).

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, trong hai năm 2020 – 2021 nước ta trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học.

hoi-thao-khoa-hoc-lan-dau-tien-ve-dao-tao-thuong-mai-dien-tu-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-1662930545.jpg
Trong khuôn khổ Hội thảo về đào tạo Thương mại điện tử 2022, mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử đã chính thức được ra mắt

Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra hai mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử. Mục tiêu thứ hai là một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

'Với mong muốn góp phần vào việc đạt được hai mục tiêu trên và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên của mình với các trường đại học trên cả nước, năm 2022 VECOM tiến hành khảo sát tình hình đào tạo thương mại điện tử tại 132 trường đại học và xây dựng Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử' - ông Dũng cho hay.

Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 cho thấy, những bước tiến rất lớn của lĩnh vực này trong những năm gần đây. Đó là, số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học (mã ngành 7340122) liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường. Hiện cả nước có gần 40 trường đại học đã đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử. Tương tự như ngành thương mại điện tử, các trường đào tạo chuyên ngành này phân bố chủ yếu ở khu vực Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có tới 53 trường đã giảng dạy học phần thương mại điện tử tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số, tài chính – ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại hay du lịch.

Được biết, phần lớn các trường được khảo sát đã giảng dạy các học phần liên quan trực tiếp tới thương mại điện tử như tiếp thị số (digital marketing), công nghệ tài chính (fintech), logistics và quản lý chuỗi cung ứng,... Đặc biệt, theo báo cáo, chương trình đào tạo thương mại điện tử càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Infomation Technology and Telecomunication – ICT). Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa kinh tế - thương mại giảng dạy ngành này. Và, đội ngũ giảng viên thương mại điện tử đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Báo cáo cũng thể hiện nhiều bước tiến lớn khác qua cuộc khảo sát liên quan tới chương trình đào tạo, học liệu, nghiên cứu khoa học, thực tập - kiến tập và hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo thương mại điện tử...

Tuy bên cạnh những bước tiến lớn như trên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: đội ngũ giảng viên thương mại điện tử chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành thương mại điện tử hay chuyên ngành thương mại điện tử tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu; Học liệu phục vụ đào tạo thương mại điện tử chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục như thương mại điện tử, bên cạnh các giáo trình và tài liệu tham khảo dạng in cần có các phiên bản điện tử để có thể cập nhật kịp thời sự tiến bộ về công nghệ cũng như thực tiễn kinh doanh; hợp tác trong đào tạo thương mại điện tử còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với doanh nghiệp; các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn; hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về học thương mại điện tử chưa mạnh mẽ. Một mặt, đây là nhiệm vụ của mỗi trường, nhưng mặt khác đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các trường, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực này.

Tại Hội thảo về đào tạo thương mại điện tử, các đại biểu đã trao đổi về hai chủ đề chính.

Chủ đề thứ nhất là đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển TMĐT trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 và xa hơn tới năm 2030, khả năng đáp ứng nhu cầu này từ các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Cụ thể, các diễn giả và đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung sau: Đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực trình độ đại học đối với sự phát triển thương mại điện tử hiện nay; Sự cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực TMĐT trình độ cao đẳng và trường nghề. Tỷ lệ giữa số lượng nhân lực trình độ đại học với cao đẳng và trường nghề; Khả năng hoàn thành các mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực nêu tại Kế hoạch tổng thể Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp TMĐT khi tuyển dụng và sử dụng nhân lực; Một số khó khăn nổi bật của các trường đại học đào tạo thương mại điện tử; Những gợi ý của doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường đại học.

Chủ đề thứ hai đi sâu vào các vấn đề liên quan trực tiếp tới giảng dạy TMĐT tại các trường đại học. Hội thảo đã phân tích và thảo luận sôi nổi về nhiều nội dung cụ thể, bao gồm: Tình hình Kiểm định chất lượng giáo dục Chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành thương mại điện tử; Thúc đẩy sự liên kết giữa các trường đại học đào tạo thương mại điện tử; Tăng cường liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn; Phổ biến tuyên truyền về ngành đào tạo thương mại điện tử; Tình hình tuyển sinh ngành thương mại điện tử; Đào tạo TMĐT gắn với Logistics, Digital Marketing, Fintech; Mối quan hệ giữa đào tạo ngành TMĐT với ngành Kinh tế số; Vai trò của cơ sở vật chất trong đào tạo TMĐT; Những vấn đề về hoạt động của Câu lạc bộ Sinh viên TMĐT; Triển khai Học phần TMĐT tại tổ chức nghề nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngành TMĐT và Phương pháp giảng dạy TMĐT.