Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm. Ảnh: Freepik. |
Sốt xuất huyết ở những cơ địa đặc biệt như trẻ nhũ nhi, béo phì, người già, người có bệnh kèm theo như bệnh tim, bệnh thận, bệnh về máu... thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Chính vì vậy, khi mắc sốt xuất huyết cần chú ý theo dõi diễn biến của bệnh.
Sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian lây truyền virus từ người bệnh sang người lành khi bị muỗi đốt.
Trong những ngày đầu bệnh thường có triệu chứng giống với nhiều loại bệnh do virus khác như cảm cúm… nên khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót chẩn đoán, dẫn tới không được điều trị kịp thời, làm cho bệnh diễn biến nặng và nguy hiểm, có thể dẫn đến không qua khỏi.
Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết rất đa dạng, từ nhiễm không triệu chứng, mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng và nguy kịch, thậm chí không qua khỏi.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày, mệt mỏi nhiều kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhức hốc mắt, đau mỏi cơ và khớp, nổi ban dát sẩn hoặc ban xuất huyết ngoài da...
Người bệnh có thể theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm mát, uống Paracetamol hạ sốt khi sốt cao, uống nhiều nước Oresol hoặc nước hoa quả, nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin và tăng cường dinh dưỡng hợp lý.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm. |
Ở mức độ vừa, người bệnh sẽ có các dấu hiệu cảnh báo như vật vã hoặc li bì, lừ đừ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ban xuất huyết nhiều ngoài da, nôn ói nhiều, đau bụng, gan to, tiêu chảy, nước tiểu ít và bị sẫm màu, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm nhanh, hồng cầu và hematocrit tăng cao.
Các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh không được chần chừ, cần nhập viện ngay để theo dõi điều trị nội trú.
Ở mức độ nặng, người bệnh cần được theo dõi, điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Các dấu hiệu của xuất huyết Dengue nặng bao gồm:
Sốc tụt huyết áp; Tràn dịch đa màng như màng tim, màng phổi, màng bụng; Rối loạn đông máu gây xuất huyết nặng toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, ho ra máu, tiểu ra máu, máu tụ lớn trong các khối cơ; Suy chức năng đa cơ quan như suy hô hấp, suy tim, suy gan, suy thận... có thể dẫn đến không qua khỏi.
Ai có nguy cơ diễn biến nặng khi bị sốt xuất huyết?
Những người có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết Dengue nặng bao gồm trẻ em (đặc biệt là nhũ nhi - trẻ em dưới 1 tuổi), phụ nữ có thai, người già, người béo phì, người suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, cũng cần rất lưu tâm đến nhóm người có nguy cơ bị chảy máu nặng gồm những người đang dùng thuốc chống đông máu, người có bệnh lý về máu, kháng kết tập tiểu cầu, người có viêm loét dạ dày, tá tràng…
Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trường hợp nặng cần phải nhập viện để theo dõi. |
Cách chăm sóc và theo dõi khi mắc sốt xuất huyết
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, ăn mỗi lần một ít, tăng cường uống nhiều nước. Không nên ăn thức ăn hay nước uống có màu nâu hoặc đỏ, vì dễ nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa.
Các dấu hiệu cần chú ý và theo dõi
- Theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ngày, số lượng nước tiểu trong 24 giờ mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy…
- Chú ý tình trạng tri giác: Tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ… và tình trạng xuất huyết (nếu có) như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đi cầu ra máu, nôn ra máu…
Chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi, theo dõi trong quá trình điều trị
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần uống nhiều nước, bù nước và điện giải bằng Oresol hàng ngày, không uống đồ uống có cồn, cà phê, các loại nước có gas…
Uống nhiều nước, tùy theo nhu cầu của từng bệnh, tăng cường nước hoa quả ép như cam, bưởi, chanh, nước dừa… Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá, nước có gas. Tránh các thức ăn màu đỏ sẫm như huyết (lợn, bò, gà…), củ dền để tránh nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
Nghỉ ngơi tại giường, tránh căng thẳng. Uống thuốc hạ sốt theo đơn và chỉ định của bác sĩ.
Phải chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết bao gồm: Vật vã, lừ đừ, đau bụng, nôn ói nhiều, gan to và đau, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít, xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh…
Nếu có một trong các dấu hiệu này, người bệnh cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú, vì sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng (sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí không qua khỏi nếu không được xử trí điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Tóm lại:
Sốt xuất huyết là bệnh hay gặp vào mùa mưa, cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh bị mắc bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh chính bao gồm vệ sinh môi trường, xóa bỏ các ổ nước đọng trong nhà và xung quanh nơi ở, diệt loăng quăng (bọ gậy), phun thuốc diệt muỗi, tránh muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài và các biện pháp xua muỗi khác.
Đặc biệt khi trong khu vực sinh sống, làm việc xuất hiện có ca bệnh sốt xuất huyết Dengue thì công tác phòng chống dịch cần phải được triển khai mạnh mẽ với sự phối hợp của chính quyền, ngành y tế, các đoàn thể và toàn bộ người dân trong khu vực.
Đối mặt với sự vỡ mộng trong tình yêu
Truyện cổ tích khiến bạn tin rằng nếu bạn tìm được đúng ý trung nhân và cho anh ta thứ anh muốn thì anh ta sẽ yêu thương bạn mãi mãi. Nhưng thực tế không như thế. Trong cuốn sách Gửi người yêu dấu, tác giả khám phá từng khía cạnh của những ái ân về mặt tinh thần trong thói quen của nữ giới, từ bản năng, chuyện chăn gối đến gia đình, sự nghiệp, cảm xúc, niềm tin và sự cam kết.
Theo https://lifestyle.znews.vn/khi-mac-sot-xuat-huyet-can-chu-y-theo-doi-nhung-gi-post1498145.html