Nhân lực số hỗ trợ ngành Ngân hàng tăng kết nối, liên thông trong hệ sinh thái số

Dũng Trần
Diễn đàn Nhân lực ngành Ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” đã diễn ra tại Hà Nội ngày 16/7. Diễn đàn do Tạp chí Một Thế Giới phối hợp với Thời báo Ngân hàng tổ chức. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì Diễn đàn.

Nhân lực số hỗ trợ ngành Ngân hàng tăng kết nối, liên thông trong hệ sinh thái số

nhan-luc-so-ho-tro-nganh-ngan-hang-tang-ket-noi-lien-thong-trong-he-sinh-thai-so-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-1752659057.jpg
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: thoibaonganhang

Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cục, vụ của NHNN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Ngân hàng và đại diện một số trường đại học khác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các chuyên gia kinh tế uy tín trong nước và quốc tế…

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Ngành Ngân hàng Việt Nam không đứng ngoài cuộc mà đang trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển mình đó. Ngành đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với thời đại công nghệ cũng như hướng đến hệ sinh thái số thông minh - tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, nhân lực ngành Ngân hàng đã dịch chuyển. Trước đây, đa số giao dịch là nhân viên ngân hàng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thì nay hầu hết các dịch vụ ngân hàng đã chuyển sang tự động.

Trong hai năm gần đây, NHNN đều tổ chức các hội nghị với chủ đề xoay quanh hệ sinh thái số như năm nay chủ đề mở rộng thành “Hệ sinh thái số thông minh”. Điều này cho thấy ngành Ngân hàng không còn hoạt động một cách tách biệt, mà đang ngày càng tích hợp sâu rộng vào hệ sinh thái dịch vụ số. Ngay trong một ứng dụng ngân hàng, người dùng đã có thể mua vé máy bay, tra cứu phương thức di chuyển của taxi... cho thấy mức độ kết nối, tích hợp và liên thông giữa ngành Ngân hàng với các lĩnh vực khác đang ở mức độ rất cao. t

Cùng với đó là sự xuất hiện của tài sản ảo, hợp đồng thông minh, chữ ký điện tử… đang được áp dụng mạnh, từng bước thay đổi thói quen, cách thức xử lý trong hoạt động ngân hàng.

Không chỉ ở góc độ dịch vụ, nhiều ngân hàng hiện nay đã nhìn nhận rủi ro công nghệ thông tin tương đương với rủi ro tín dụng, từ đó hình thành hệ thống quản lý rủi ro hoàn toàn mới. Khi rủi ro trên không gian mạng ngày càng phức tạp, việc ứng xử với rủi ro công nghệ đòi hỏi tư duy khác biệt, đặt trọng tâm vào đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Điều này buộc ngành Ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh.

Người làm ngân hàng cũng phải có sự am hiểu về nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng. Hai kĩ năng này đi cùng nhau để xây dựng quy trình, nghiệp vụ số. Ngân hàng nào không làm được việc này thì không thể tham gia “cuộc chơi” và như thế sẽ hình thành nên một đội ngũ nhân viên ngân hàng mới.

Từ những thay đổi này, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày.

Theo NHNN, đến nay có gần 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Giá trị thanh toán không dung tiền mặt gấp 25 lần GDP. 5 tháng đầu năm 2025, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là giao dịch qua mã QR tăng tới 78,09% về số lượng và 216,24% về giá trị. Hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số. Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ khoảng 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng.

nhan-luc-so-ho-tro-nganh-ngan-hang-tang-ket-noi-lien-thong-trong-he-sinh-thai-so-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1752659057.jpg
Nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng là hai kĩ năng đi cùng nhau để xây dựng quy trình, nghiệp vụ số

Một trong vấn đề đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ đó là nguồn nhân lực. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ ngành Ngân hàng khát nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin của Ngành như hiện nay”.

Vấn đề này càng trở nên thách thức khi trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuối khối (blockchain) và điện toán đám mây (Cloud Computing) đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng. Blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành. Tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng...

Ông Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, đây là một thực tế mà ngành Ngân hàng buộc phải đối mặt và thích nghi. Một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng.

"Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số, ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu, nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình", ông Tùng nói và cho biế thêm, việc đào tạo cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng cho biết, để đáp ứng xu thế, ngành Ngân hàng đã và đang tích cực nâng cao năng lực số cho cán bộ. Số lượt cán bộ của các ngân hàng được bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo từ năm 2022 đến nay tăng mạnh. Là một trường đại học thuộc NHNN, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Ngân hàng và đất nước, Học viện ngân hàng là trường đại học tiên phong ở Việt Nam ban hành chuẩn đầu ra “Năng lực số” - bắt buộc với 100% người học

Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực số trong ngành Ngân hàng luôn ở mức cao, đặt ra thách thức lớn trong việc đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Do đó, bà Phạm Thị Hoàng Anh cho hay, Học viện Ngân hàng xác định cần tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dạy học số, nâng cấp hạ tầng công nghệ, tăng cường năng lực số, và mở rộng hợp tác; xây dựng môi trường học tập số hóa toàn diện, phát triển các chương trình đào tạo liên ngành về Fintech, AI và khoa học dữ liệu…

Một cá nhân hay một tổ chức đơn lẻ khó có thể hoàn thành những mục tiêu lớn. Vì vậy, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng kỳ vọng, quá trình phát triển nhân lực số cho ngành Ngân hàng sẽ có sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan. Trong đó, cần ban hành Khung năng lực số ngành Ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất từ NHNN để đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực đặc thù này. Đồng thời tăng cường hợp tác theo mô hình “Ba nhà” bao gồm NHNN, Học viện Ngân hàng và các tập đoàn công nghệ/tổ chức tài chính để phát triển, tổ chức triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Hoàng Anh mong muốn, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần chủ động trong việc xác định nhu cầu và đặt hàng đào tạo; tham gia vào quá trình xây dựng/cập nhập chương trình; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc trong môi trường thực tế để tích lũy kinh nghiệm; phối hợp các cơ sở đào tạo thiết kế các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ nhân sự.