Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trường Nhật ngữ ARC Academy tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 1.670 ứng viên. Trong đó có 1.340 ứng viên của 7 khóa đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản. Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của những nước khác. Tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản của các ứng viên Việt Nam rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% ứng viên hộ lý), trong khi ứng viên các nước khác chỉ đạt khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý.
Các ứng viên điều dưỡng đang chuẩn bị phỏng vấn với nhà tuyển dụng Nhật Bản
Là đơn vị được Bộ LĐ-TB-XH giao trực tiếp thực hiện chương trình hợp tác VJEPA, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Dolab, cho rằng chương trình hợp tác VJEPA là chưa có tiền lệ. Hoạt động đào tạo trước khi đưa các ứng viên sang Nhật Bản làm việc đã tạo nền tảng tốt để có thể đạt những kết quả được đánh giá cao như hôm nay. Hiện nhu cầu điều dưỡng, hộ lý từ phía Nhật Bản rất lớn, trong khi việc tuyển dụng và đào tạo của Việt Nam chưa đủ đáp ứng. Thời gian tới, Dolab sẽ tăng cường tuyển dụng cũng như phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản để gia tăng số lượng. Nhật Bản cũng đã đưa ra những cải cách về chế độ tiền lương, tạo mức độ hấp dẫn cao hơn để thu hút ứng viên. Mức lương của điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tại Nhật Bản từ 130.000 - 150.000 yen/tháng (tương đương 30-35 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, các ứng viên sẽ được nhận những khoản phụ cấp tương xứng với thành tích công việc. Với điều dưỡng và hộ lý, cơ hội để làm việc lâu dài tại Nhật Bản là rất cao khi các ứng viên hoàn thành và lấy được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia Nhật Bản.
Trong 5 năm tới, Nhật Bản cần khoảng 25.000 hộ lý, điều dưỡng viên. Việt Nam là một trong 3 quốc gia mà Nhật Bản đang phối hợp tìm kiếm nguồn nhân lực này. Với những kết quả ban đầu nhiều thuận lợi, cộng thêm tỉ lệ thi đỗ chứng chỉ y tế quốc gia về hộ lý, điều dưỡng của Nhật Bản cao hơn người bản địa, ứng viên Việt Nam đang thật sự "đắt giá" tại đất nước mặt trời mọc.
https://nld.com.vn/cong-doan/nhat-ban-thu-hut-dieu-duong-ho-ly-viet-nam-sang-lam-viec-20201125210651619.htm