Cuốn sách Nghề thầy của người thầy nổi tiếng, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên: nhà giáo, nhà cách mạng, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), vừa được giới thiệu trong dịp mừng ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay.
Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi Nghề thầy được xuất bản lần đầu tiên (1944), dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết, nhưng đa số những vấn đề mà tác giả Hoàng Đạo Thúy đặt ra, bàn luận cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ.
Từ 80 năm trước, tác giả Hoàng Đạo Thúy đã xác định rõ mục đích của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Từ mục đích đó, ông cho rằng nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.
Người thầy - nghề thầy trong mắt Hoàng Đạo Thúy không chỉ thuần túy là “dạy học” mà người thầy, cho dù chỉ là một thầy giáo làng đi nữa, đích thực là một nhà khai sáng kiêm nhà hoạt động xã hội
|
Ông cũng đề cập rất rõ về vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Vì thế tác giả đã dành một dung lượng đáng kể cho việc phân tích nội dung này. Theo ông, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, ngay từ khi đứa trẻ còn là bào thai bằng việc thực hiện phép thai giáo. Ông khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt. Khi trẻ đến tuổi đi học thì sự liên lạc mật thiết, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác vì sự tiến bộ của trẻ giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trở nên rất quan trọng.
Tác giả Hoàng Đạo Thúy cũng nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện. Theo cách diễn đạt của ông, nhà giáo dục phải để tâm đến “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”. Đặc biệt, trong khi tiến hành giáo dục toàn diện, ông đặc biệt coi trọng “Chí”. Người ta đã quá coi trọng việc trẻ có thông minh hay không thông minh, có học giỏi hay không học giỏi mà quên mất phải rèn luyện cho trẻ có “chí”. Không ít gia đình, nhà trường đã thất bại trong việc nuôi dạy trẻ thành người tử tế, rất nhiều cá nhân dù sinh ra khỏe mạnh, có tài năng nhưng trong suốt cuộc đời mình đã “sống mòn” chỉ vì không có “Chí”. Trong xã hội hiện đại, các nhà giáo dục ít nói rèn “chí” cho thanh niên mà diễn đạt nó bằng các từ như “rèn luyện nghị lực”, “giáo dục năng lực vượt khó”, “giáo dục năng lực kiểm soát bản thân”…
Cuốn sách cũng đưa ra nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục giàu tính thực tiễn. Giáo dục với người thầy cũng là công việc cụ thể, chi tiết, hằng ngày hằng giờ với những việc nhỏ nhặt nhất như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công… Ở từng việc, ông đều chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp quý giá đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình.
Đúc rút về sứ mệnh của nghề thầy, tác giả Hoàng Đạo Thúy viết: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được”.
Trích đoạn nổi bật từ Nghề thầy
Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và nhất là cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng, khoảng nhì thì anh em bạn bè vẽ vào. Còn một phần nữa, ai viết vào đấy? Phần ông thầy đấy chăng? Ông viết vào là phải, nhưng hãy khoan, ông giúp cho trò tự viết vào là hơn, nét sẽ rành rọt, toàn cảnh sẽ tươi tỉnh hơn, mà tờ giấy rồi dùng được. Ông mà viết lấy thì trò đành phải chịu, nhưng rồi nó sẽ chỉ chực quên đi, rồi ra giả dối suốt đời.
Nên làm thế này:
Tìm xem đứa bé có những mầm gì, mầm xấu và mầm tốt. Mầm xấu thì làm bạc tước nó đi đã đành, nhưng cách ấy chưa tốt bằng bồi bổ mầm tốt, giúp cho trẻ nó bồi bổ lấy. Vì vẫn thế, giúp cho làm lấy hơn là làm hộ.
Ví dụ một cậu bé không may có thói hay nói dối. Nếu thầy bắt được nó nói dối, mà trước mặt mọi người nói sõng ra, thế là cậu bé thành danh nói dối. Cậu bé chỉ trót dại có một lần, nay thành ra anh nói dối chính hiệu. Một hôm cố nói thật, tưởng người ta sẽ khen, chả hóa lại gặp ngay một nhát búa tai hại: “Bộ cái thằng ấy mà lại nói thật, tin làm sao được nó”. Thế thì còn gan nào mà nói thật nữa.
Nhưng, nếu thầy thấy người nói dối, thầy để tâm rình mò, không rình để bắt được nó nói dối, vì buộc lắm thì nó cũng sổ được ra, nhưng rình mãi, rình cho được một hôm nó nói thật để tóm ngay lấy, rồi bảo rằng: “Người ta cứ bảo con nói dối, con chả nói thật là gì?”. Thế có phải là nó hả hê, nó thích rằng đã có người biết cho nó. Rồi từ đấy nó sẽ nói thật mãi. Rồi thầy bồi bổ cái mầm thật thà non nớt ấy, có phải là cái mầm gian manh bạc tước mãi đi không.
Tất cả các thói xấu đều có thể chữa như thế.
|
https://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-loi-gan-ruot-tu-nghe-thay-cua-nha-van-hoa-hoang-dao-thuy-1306743.html