Singapore trả giá cho thị thực thân thiện

Thanh Nguyễn
Áp dụng chính sách thị thực thân thiện, Singapore và một số quốc gia Đông Nam Á đối mặt khủng hoảng, trong đó có gia tăng tội phạm và tình trạng quá tải du lịch.

Thác nước Rain Vortex tại khu phức hợp Jewel Changi là điểm check-in quen thuộc khi du khách dừng chân tại sân bay quốc tế Changi (Singapore). Ảnh: Changi Airport.

Sun Shiqi (24 tuổi, người Trung Quốc) chỉ cần xuất trình hộ chiếu khi nhập cảnh tại Singapore, bắt đầu chuyến du lịch 4 ngày cùng bạn bè. Sinh viên này cho rằng chính sách thị thực thân thiện giúp đảo quốc sư tử thu hút đông đảo du khách, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Theo hội đồng du lịch Singapore, lượng khách inbound (quốc tế) đến đất nước trong năm 2023 chủ yếu từ Indonesia, Trung Quốc và Malaysia - lần lượt đóng góp 2,3 triệu, 1,4 triệu và 1,1 triệu lượt du khách.

Trong đó, du khách Trung Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất với 2,3 tỷ SGD (tương đương 1,8 tỷ USD). Theo sau là khách từ Indonesia và Australia, lần lượt đóng góp 2,2 tỷ SGD và 1,5 tỷ SGD.

Tuy nhiên, chính sách thị thực thông thoáng cũng cho thấy những mặt trái đối với ngành du lịch Đông Nam Á.

Đầu tiên, làn sóng người nhập cư tăng đột biến làm dấy lên báo động về các thành phần tội phạm tiềm tàng. Theo SCMP, nhiều hoạt động phạm tội được ghi nhận tại ASEAN bao gồm trộm cắp, đột nhập và tội phạm có tổ chức, nhiều trong số đó có liên quan đến công dân Trung Quốc nhập cư.

Cụ thể, cuối tháng 8, chính quyền Thái Lan đột kích một biệt thự sang trọng ở tỉnh Chonburi, bắt giữ 15 đối tượng lừa đảo bị cáo buộc từ Trung Quốc đã nhập cảnh vào nước này mà không được kiểm tra.

Khu vực này gần thị trấn nghỉ dưỡng Pattaya, nổi tiếng với các câu lạc bộ và doanh nghiệp phục vụ riêng cho khách hàng Trung Quốc.

Vấn đề tội phạm không chỉ giới hạn ở công dân Trung Quốc. Cảnh sát Thái Lan cũng đã bắt giữ một số đối tượng mang quốc tịch Nga, những người được phép lưu trú miễn thị thực trong 90 ngày kể từ tháng 10/2023, vì thành lập các doanh nghiệp bất hợp pháp phục vụ cho những người mới nhập cư giàu có.

Sun Xueling, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Singapore, khẳng định không có chế độ thị thực nào có thể "sàng lọc" hoàn toàn du khách mang ý đồ bất chính. Chỉ có đóng cửa biên giới mới có thể ngăn chặn toàn bộ tác nhân xấu, "và như vậy sẽ phá hủy nền kinh tế của Singapore", bà Xueling nói.

Du lich anh 2

So với nhiều điểm du lịch của Đông Nam Á, Singapore khiến du khách nản lòng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Trong ảnh là Trung tâm Dệt may ở đường Jalan Sultan, Singapore. Ảnh: Shintaro Tay.

Thứ hai, ngày càng nhiều người dân địa phương bày tỏ sự thất vọng trước tình trạng khách du lịch quá đông, gây ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật. Ví dụ, tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), một lượng du khách Trung Quốc đổ về gần đây đã làm gián đoạn các lớp học, khiến trường phải thực hiện các biện pháp để quản lý lượng khách du lịch.

Theo Tat Yam Suen, nhà sáng lập Công ty lữ hành địa phương Monster Day Tours, đây chính là biểu hiện đầu tiên của "du lịch quá tải" - tình trạng cực đoan đang xảy ra tại nhiều điểm đến nổi tiếng như Nhật Bản hoặc Bali.

"Du lịch quá tải" cũng được quan sát thấy tại Phuket (Thái Lan) khi người dân địa phương than thở về giá đất và chi phí thuê nhà tăng cao. Người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau đổ về đây sinh sống, chiếm lĩnh đất ở. Các doanh nghiệp, từ hãng taxi đến tiệm làm tóc, cũng ngày càng hướng đến việc phục vụ nhóm nhân khẩu mới giàu có này.

Những lời than phiền tương tự cũng xuất hiện tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali của Indonesia. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, cả 2 điểm đến này vẫn cam kết sâu sắc trong việc thu hút du khách. Họ nhận ra rằng hàng tỷ USD từ doanh thu du lịch đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Tiếp đến, trong bối cảnh cả Đông Nam Á đều muốn thu hút khách nước ngoài, Singapore có phần khó khăn hơn với chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

"Đối với những người chọn một quốc gia để ghé thăm ở Đông Nam Á, họ có thể quyết định đến Malaysia, Thái Lan hoặc Indonesia, thay vì Singapore - nơi sẽ đắt đỏ hơn", Suen cho biết.

Đầu tháng 4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đề xuất sáng kiến thị thực du lịch chung cho 6 nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar nhằm kích cầu du lịch, theo Bangkok Post.

Sáng kiến này được ví như "Schengen kiểu ASEAN" khi du khách quốc tế chỉ cần nhập cảnh tại một nước sẽ có thể tự do đi lại giữa 5 quốc gia còn lại.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chính sách này đối mặt nhiều thách thức về vấn đề đồng bộ hoá visa giữa các nước; an ninh, an toàn của điểm đến; và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/singapore-tra-gia-cho-thi-thuc-than-thien-post1497954.html