Sinh viên Luật cần cẩn trọng với “con người” thể hiện trên mạng xã hội

Quang Trường
Tại tọa đàm “Trò chuyện cùng Luật gia về nghề Pháp chế”, chuyên gia cảnh báo, các công ty tuyển dụng có thể dựa vào hoạt động trên mạng xã hội để định vị con người. Bài viết của Quang Trường trên https://www.nguoiduatin.vn/sinh-vien-luat-can-can-trong-voi-con-nguoi-the-hien-tren-mang-xa-hoi-a499874.html, mọi người cùng tham khảo để tránh rơi phải những trường hợp "dở khóc dở cười"...

Tối 15/12, CLB Định hướng và Phát triển nghề nghiệp - Peers of Law (trường đại học Luật Hà Nội) tổ chức tọa đàm giữa sinh viên với các chuyên gia trong lĩnh vực Pháp chế và các vấn đề liên quan. Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề thực tiễn đã được sinh viên đặt ra.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Đình Nghị (Phó Hiệu trưởng trường đại học luật Hà Nội) hy vọng qua buổi trò chuyện, sinh viên sẽ hiểu hơn về nghề Pháp chế để có định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Giáo dục - Sinh viên Luật cần cẩn trọng với “con người” thể hiện trên mạng xã hội

Hàng trăm sinh viên hào hứng tham dự buổi tọa đàm với các chuyên gia trong lĩnh vực pháp chế và các vấn đề liên quan.

Trả lời câu hỏi của sinh viên quan tâm đến tiêu chí và khoảng thời gian thích hợp để xin làm thực tập sinh tại vị trí pháp chế trong các công ty, doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Luật Basico) cho biết: “Năm thứ 4 là tốt nhất vì khi đó các bạn đã được trang bị tương đối đầy đủ về kiến thức. Khi thực tập, chúng ta phải chủ động nhận việc, tập trung nghiên cứu những vụ việc thực tế để phân tích chứ không chỉ thuộc lòng sách vở”.

Giáo dục - Sinh viên Luật cần cẩn trọng với “con người” thể hiện trên mạng xã hội (Hình 2).

Sinh viên đặt câu hỏi trong chương trình.

Trả lời thắc mắc của sinh viên với câu hỏi: “Ngành Pháp chế trong ngân hàng có những yêu cầu riêng như thế nào?”, luật sư Nguyễn Thị Phương (Giám đốc pháp chế ngân hàng BIDV) chia sẻ: “Về cơ bản sẽ không khác nhiều so với các doanh nghiệp khác. Sinh viên trường đại học Luật Hà Nội và khoa Luật của đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được ưu tiên hơn. Sinh viên cần chuẩn bị hành trang như điểm TOEIC từ 850 trở lên, IELTS 6.5 trở lên với nhóm pháp lý đối ngoại. Với nhóm tín dụng tranh chấp thì chỉ cần 600 TOEIC.

Bên cạnh đó, bảng điểm phải tương đối tốt, vì 4 năm đại học sẽ thể hiện sự nỗ lực, sẵn sàng cho công việc tương lai của các em. Đồng thời, có kinh nghiệm thực tập ở các công ty, văn phòng luật và đã qua lớp Kỹ năng hành nghề luật sư của học viện Tư pháp cũng là những điểm cộng”.

Giáo dục - Sinh viên Luật cần cẩn trọng với “con người” thể hiện trên mạng xã hội (Hình 3).

Luật sư Nguyễn Thị Phương (Giám đốc pháp chế ngân hàng BIDV) giải đáp câu hỏi của sinh viên.

Bên cạnh những giải đáp về thắc mắc của sinh viên, luật sư Bùi Thanh Lam (Luật sư điều hành BGI & Associates LLC) cũng chia sẻ kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc: “Ngoài những kiến thức chuyên môn, chúng ta cần có thái độ tốt như trung thực.

Cẩn trọng với những gì chúng ta thể hiện trên mạng xã hội, vì các công ty tuyển dụng hiện nay có thể dựa vào hoạt động của chúng ta trên mạng xã hội để định vị con người của bạn. Đôi khi người phỏng vấn còn đưa ra một hệ thống hàng trăm câu hỏi trắc nghiệm được mã hóa để qua câu trả lời của bạn để phân tích tính cách, sở trường của bạn”.

Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện hướng tới Ngày hội việc làm “Job Fair 2021” nhằm kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao của trường đại học Luật Hà Nội với các đơn vị tuyển dụng uy tín hàng đầu để phát triển, định hướng nghề nghiệp cho các cử nhân luật và luật gia tương lai.

Ngày hội việc làm “Job Fair 2021” sẽ chính thức khai mạc vào ngày 07/01/2021 tại trường đại học Luật Hà Nội. Chương trình sẽ có sự tham gia của một số diễn giả nổi tiếng, như ông Phạm Thanh Hưng (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn CEN Group).