“The Mong Show”, “Sa Pa lặng lẽ yêu”
Show thực cảnh đầu tiên bảo tồn văn hóa Mông
“The Mong Show” – Sa Pa Lặng lẽ yêu là sản phẩm du lịch mới mang đến cho du khách không gian khám phá nét văn hóa đặc sắc của người Mông ở Sa Pa. Sản phẩm du lịch mới này được ra đời từ thực tiễn đòi hỏi của du khách, đặc biệt là khách quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đặt ra những chỉ tiêu mới về tăng tốc phục hồi phát triển du lịch. “The Mong Show” sẽ chính thức thử nghiệm phục vụ du khách từ năm 2023 tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai (số 2 Fansipan, Sa Pa).
Đây là show diễn thực cảnh đầu tiên khai thác văn hóa của người Mông tại Lào Cai do NSƯT Thanh Hằng làm Tổng đạo diễn với mong muốn mang đến một không gian sinh hoạt văn hóa chân thật của người Mông đến du khách. Sản phẩm du lịch này mang nhiều nét độc đáo của đồng bào nơi đây như chính lời khẳng định của NSƯT Thanh Hằng “chúng tôi lựa chọn diễn viên là người bản địa để đồng bào có cơ hội kể câu chuyện văn hóa của chính mình. Sự lựa chọn đó thể hiện tính tiếp nối thế hệ, tính nhân văn và lòng trắc ẩn của những người thực hiện”.
Ở đó, du khách không chỉ ngồi xem show một cách đơn thuần mà được di chuyển 8 lần qua 8 lớp diễn với những cung bậc cảm xúc khác nhau: háo hức, tò mò và ngỡ ngàng... Tham gia vở diễn là hơn 50 diễn viên không chuyên - đều là đồng bào dân tộc Mông, diễn viên nhỏ nhất mới chỉ 2 tuổi. Với mỗi lớp diễn, không gian được bài trí đậm chất dân tộc Mông, mọi đạo cụ để diễn đều là thật và của người dân bản địa mang tới. Du khách như được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người Mông chứ không phải đang xem diễn viên diễn.
Thào A Tùng, một “diễn viên” của The Mong Show bày tỏ, tôi chỉ muốn kể cho cả thế giới rằng, văn hóa của người Mông rất đồ sộ và có nhiều sự khác biệt so với nền văn hóa của các dân tộc khác. Câu chuyện văn hóa của người Mông qua show thực cảnh thời lượng 30-40 phút chưa thể kể hết và kể sâu sắc được nhưng có thể đưa du khách đến, chạm vào không gian của người Mông, đời sống sinh hoạt của người Mông từ những niềm vui, nỗi buồn, từ công việc thường ngày hết sức bình dị đến niềm tự hào về nghề truyền thống…
Qua The Mong Show du khách có thể thấy được trong văn hóa người Mông không chỉ có tục kéo vợ, uống rượu say “mềm người” mà còn có nhiều yếu tố khác để thể hiện nét văn hóa riêng biệt của người Mông. Đó là hình ảnh người dân lao động bình dị, là sự huyền bí của đời sống tâm linh với việc đi tìm nguồn nước, cuộc sống nông nghiệp trên ruộng bậc thang với cây lúa, cây ngô, những tinh túy của nghề rèn đúc, chạm khắc bạc, tới nghệ thuật se lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm, tới tinh hoa ẩm thực với nghề nấu rượu ngô, đến nồi thắng cố. Đặc biệt là những nét đẹp trong văn hóa gia đình, cộng đồng sự lãng mạn của tình cảm đôi lứa với Chợ tình... “Chúng tôi tự hào khi được diễn chính văn hóa của mình phục vụ du khách, vừa được quảng bá văn hóa của mình, vừa được bảo tồn văn hóa và còn có thể đem lại nguồn lợi kinh tế cho chính mình. Điều quan trọng hơn đó là khi người Mông được góp sức với Đảng và Chính phủ trong phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp” - Thào A Tùng háo hức khẳng định.
“Tham gia The Mong Show em không mất quá nhiều thời gian luyện tập vì tất cả những hoạt động, cảnh diễn trong đó đều là những nét sinh hoạt hàng ngày của dân tộc chúng em. Em mong muốn sẽ là một phần nhỏ để góp sức cho bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông tới du khách thế giới. Để Sa Pa luôn có ấn tượng đặc biệt và có sức hấp dẫn khách du lịch” - em Thào Thị Sú học sinh lớp 9 trường THCS Dân tộc Nội trú Sa Pa chia sẻ.
“Điều mà tôi thấy đem lại giá trị ngay trước mắt đó là The Mong Show đã tạo điều kiện để những thế hệ trẻ có cơ hội được tìm hiểu, được học và thực hành văn hóa của chính dân tộc mình đang bị mai một dần” - NSƯT Thanh Hằng nhấn mạnh.
Nói về The Mong show, Đạo diễn Nguyễn Thanh Tuấn kỳ vọng vở diễn có sức sống lâu bền, để là nơi mà bà con có thể thường xuyên tham gia đóng góp cho mỗi đêm diễn, góp phần gìn giữ di sản văn hóa và tạo nguồn lợi cho địa phương. Đồng thời phát triển mở rộng hơn để mỗi đêm diễn sẽ là một show của các dân tộc khác nhau như Dao, Tày, Giáy, Xá Phó… Các show sẽ được tổ chức luân phiên với hy vọng du khách sẽ cảm nhận và hồi tưởng lại Sa Pa xưa - hoang sơ, mộc mạc, lặng lẽ mà huyền bí, diệu kỳ và ẩn chứa nhiều vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ.
Sản phẩm du lịch ấn tượng, độc đáo
Không sử dụng thiết bị âm thanh, mọi lời thoại, tiếng ca của diễn viên đều thật. Âm nhạc của vở diễn được nhạc sĩ Mạnh Tiến chắt lọc, tạo nên một bản hòa thanh đa màu sắc giữa đất trời Sa Pa. Nghệ thuật múa đương đại được NSƯT Thanh Hằng khai thác tối đa dựa trên chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào Mông. Vì là vở diễn thực cảnh nên phần ánh sáng rất được chú trọng. Trong không gian của cây cối núi rừng, nhà sàn lớp lớp, ánh sáng được soi chiếu, mờ mờ ảo ảo, đậm chất điện ảnh khiến người xem khó rời mắt.
Theo nhà báo Thúy Tình – du khách đến từ Hà Nội, phần ấn tượng với người xem ở The Mong Show chính là màn múa bên những tấm vải nhuộm chàm của các thiếu nữ Mông. Tại các bản làng vùng cao Sapa, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự nền nã, dịu dàng của sắc chàm đen hiện hữu trên những trang phục thường nhật của các cô gái người Mông. Nghề nhuộm chàm độc đáo này được bà con truyền tay nhau, lưu giữ dấu ấn qua từng thế hệ, để màu chàm thắm mãi như một nét biểu tượng, chứa đựng hồn cốt của văn hóa dân tộc.
Bà Phùng Thị Ngọc Phượng Chủ tịch Anh Sơn Group, đại diện Nhà sản xuất cho biết, “The Mong show” là sản phẩm du lịch mở đầu của chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa được xây dựng phục vụ khách du lịch khi đến Sa Pa. Dự kiến, Anh Sơn Group sẽ phối hợp với các bên liên quan để tạo ra một trung tâm nghệ thuật giữa lòng Sa Pa với bản sắc đầy đủ của 5 dân tộc đang sinh sống ở nơi đây. “Sa Pa tỏa hương bằng chính bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú chứ không chỉ bằng những chiếc vòng, chiếc khăn bán ngoài chợ, ngoài đường” – bà Phượng chia sẻ.
Thông tin trên báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định “The Mong Show” vô cùng ấn tượng. Qua show diễn, khán giả có thể cảm nhận rõ về nét văn hóa đặc sắc của người Mông tại Sa Pa. Show diễn và được ra đời để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá bản địa - điểm đến của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. “Các sản phẩm du lịch muốn tốt thì phải luôn tự làm mới mình để hấp dẫn du khách. Đặc biệt, những sản phẩm xuất phát từ văn hóa thì có giá trị rất bền vững và hấp dẫn du khách. Quan trọng hơn cả là người dân sống được bằng văn hóa và du lịch trên địa bàn của mình. Đó là sự chia sẻ về lợi ích cũng như đảm bảo đời sống của người dân. Chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện để “The Mong show” được duy trì, chạy thử nghiệm trong năm 2023. Nếu sản phẩm du lịch này thu hút hút được khách du lịch sẽ đưa vào khai thác hàng ngày để mang lại những trải nghiệm khác biệt cho du khách khi đến SaPa. Tiếp sau đó, sẽ tính tới việc phát triển mô hình để các dân tộc khác ở đây có điều kiện phát huy bản sắc văn hóa vùng miền” – ông Trường cho hay.
Được biết, phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa bản địa có thể coi là một trong những giá trị bền vững, lâu dài nhất khi Lào Cai thực hiện triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết, khai thác và giữ gìn tốt bản sắc văn hóa của 25 dân tộc trên địa bàn tỉnh.