Thuận lợi, thách thức đan xen, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7% 

Trung Việt
Tại tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức" cho thấy, trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024: kịch bản cao khi tăng trưởng quý 4 đạt 7,4%, tăng trưởng năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0%; kịch bản thấp tăng trưởng quý 4 sẽ dưới mức 7%, năm 2024 ở mức 6,84%. 

Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức"

doi-thoai-chinh-sach-phuc-hoi-tang-truong-trien-vong-va-thach-thuc-dulichvn-2-1729073250.jpg
Quang cảnh sự kiện

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức".

Báo cáo Kinh tế Quý 3/2024: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VERP cho hay, kết thúc quý 3 năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4.4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Việt, ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.

Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khoá tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi.

Thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19. NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.

Phó viện trưởng VEPR cho rằng, mặc dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước. Các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.

Nhìn xa hơn, xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm. Chi phí đẩy khiến năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khả năng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như tình thế khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt một số tiến bộ nhưng vẫn chậm chạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh, làm nản lòng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

doi-thoai-chinh-sach-phuc-hoi-tang-truong-trien-vong-va-thach-thuc-dulichvn-1-1729073250.jpg
Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý 4 sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng Quý 4 sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu năm nay không đạt được mục tiêu phát triển tốt thì ảnh hưởng tới những năm sau. Thành tựu quý 3 năm nay tạo cho chúng ta niềm tin cho phục hồi và phát triển tiếp cho những năm tới.

“Tuy nhiên tăng trưởng trong quý 3 vẫn dựa vào xuất khẩu nhờ bàn tay của doanh nghiệp FDI. Bao năm nay có động lực từ tiêu dùng trong nước và đầu tư chưa được tăng nhiều do ảnh hưởng của thời Covid tới giờ”, bà Lan nêu rõ.

Theo ông Việt, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là nhu cầu tiêu dùng và sản xuất yếu hơn so với kỳ vọng của Mỹ, sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ở châu Âu và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể gây gián đoạn cho quá trình phục hồi xuất khẩu và làm suy yếu tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Triển vọng xuất khẩu cũng đối mặt với sự bất định do những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách thương mại của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa động lực xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững lại được đặt ra một cách cấp thiết trong bối cảnh đó. Sự phân mảnh địa chính trị ngày càng rõ nét, cùng với việc các xung đột liên quan đến Nga, Mỹ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông leo thang, đang trở thành rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Những bất ổn này gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm, và kéo dài thời gian cung ứng, dẫn đến giá thành hàng hóa leo thang và lạm phát nhập khẩu gia tăng.

Ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1.5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đã cản trở nỗ lực của quốc gia trong việc trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa, tạo ra cái mà nhiều người quan ngại gần đây là hai nền kinh tế song song tồn tại.

Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu. Theo báo cáo của Bộ KHĐT trong năm 2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2024, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thực trạng này cũng phần nào đã được phản ánh qua cảm nhận của doanh nghiệp theo khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố trong năm 2024.

“Cơn bão Yagi vào tháng 9 vừa qua đã gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong Quý 3 và cả thời gian còn lại của năm 2024 và cả sang đầu 2025. Sự thiệt hại ngoài sức tưởng tượng của cơn bão chứng minh rõ ràng biến đổi khí hậu đang tác động toàn diện và sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế và an ninh trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các chính sách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đảm bảo thực hiện đúng các cam kết của COP26 và COP28”, ông Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.