Thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện thể thao điện tử

Trung Việt
Sau một nhiệm kỳ hoạt động, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã thực hiện vai trò đầu mối trong việc thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện môn thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí phát triển rộng khắp, tổ chức thi đấu trong và ngoài nước, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, trọng tài, huấn luyện viên và một số công tác chuyên môn khác; thành tích thi đấu quốc tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện thể thao điện tử

Ngày 24/10, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nhiệm kỳ IV (2024 - 2029).

thuc-day-phong-trao-choi-va-tap-luyen-the-thao-dien-tu-dulichvietnam-dulichvn-1-1729792430.jpg
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV (2024-2029)

Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) hoạt động ở 3 mảng chính, gồm thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí. Các mảng thể thao này đều đang được thực hiện ổn định, tổ chức được nhiều giải phong trào cũng như gặt hái nhiều thành công tại các đấu trường lớn, điển hình là SEA Games 31 (năm 2022), SEA Games 32 (năm 2023), ASIAD 19 (năm 2023) và Thế vận hội của tương lai - Games of the Future (năm 2024).

Tại Đại hội, các đại biểu đã đánh giá công tác phát triển phong trào tập luyện, đào tạo, thi đấu thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, nêu lên phương hướng phát triển đúng hướng theo chuyên nghiệp, quy tụ các nguồn lực trong xã hội nhằm xây dựng, phát triển phong trào thể thao điện tử giải trí rộng khắp cả nước và nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên Việt Nam tại đấu trường quốc tế, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới…

Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ III tại Đại hội, Tổng thư ký VIRESA Đỗ Việt Hùng cho biết, sau một nhiệm kỳ hoạt động, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã thực hiện vai trò đầu mối trong việc thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện môn thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí phát triển rộng khắp, tổ chức thi đấu trong và ngoài nước, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, trọng tài, huấn luyện viên và một số công tác chuyên môn khác; thành tích thi đấu quốc tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sự phát triển của thể thao điện tử trong những năm gần đây là thành quả từ những nỗ lực của các tuyển thủ, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng tầm vị thế của môn thể thao này với các môn thể thao phổ biến khác. Điển hình là việc thể thao điện tử trở thành bộ môn thi đấu chính thức tranh huy chương tại 3 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á liên tiếp bao gồm: SEA Games 30 tại Philippines, SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia.

Các CLB thể thao điện tử chuyên nghiệp, phong trào đang được tổ chức và phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Các giải thể thao điện tử phong trào cũng đã được tổ chức rất thường xuyên và đang dần hoàn thiện cả về qui mô và chất lượng, hướng tới giải đấu chuyên nghiệp. Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 bộ môn thể thao điện tử phổ biến, có hệ thống giải đấu ở đủ các cấp độ từ giải cộng đồng, phong trào, giải sinh viên, bán chuyên và chuyên nghiệp với tổng cộng khoảng 40 câu lạc bộ (đội tuyển) chuyên nghiệp đã và đang hoạt động, tham gia thi đấu tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

thuc-day-phong-trao-choi-va-tap-luyen-the-thao-dien-tu-dulichvietnam-dulichvn-2-1729792430.jpg
Ông Đỗ Việt Hùng đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV

Song hành cùng thể thao điện tử, Hội cũng chủ động kết nối các nguồn lực, tập trung phát triển vũ đạo thể thao giải trí (Breaking, hiphop, các bộ môn vũ đạo khác….), phát triển phong trào ở một số tỉnh thành, trong học sinh sinh viên; xây dựng sách hướng dẫn tập luyện và nghiên cứu cơ bản về kỹ thuật. Đáng chú ý, VIRESE là một trong những Hiệp hội tiên phong triển khai thi đấu thể thao thể chất số (Phygital sports).

Hướng tới nhiệm kỳ IV tới đây, từ thực tiễn phát triển của thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí trên thế giới và Việt Nam cũng như thực trạng hoạt động trong các năm qua, VIRESA đặt mục tiêu tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò, hoạt động, từ đó tạo nên sự đồng bộ, thống nhất từ định hướng, chủ trương hoạt động tới công tác quản lý, điều hành; phát huy tiềm năng và các thế mạnh của thể thao điện tử và thể thao giải trí Việt Nam. Trong đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút nhiều hơn nguồn lực tham gia phát triển thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao khẳng định, thể thao điện tử (E-Sports) đã và đang phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một ngành nghề, một nền công nghiệp. Hiện tại, E-Sports đã phổ biến đến rất nhiều người chơi. Quan niệm về tuyển thủ chơi E-Sports cũng đã cởi mở hơn với hầu hết mọi người. Những cộng đồng E-Sports được xây dựng bài bản, văn minh. Nhiều giải đấu được tổ chức thường xuyên, có tính chuyên môn cao, có sự đầu tư kỹ lưỡng và chuyên nghiệp ở khâu tổ chức, được truyền hình trực tiếp và có bình luận viên. Sự phát triển bùng nổ của E-Sports kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt lĩnh vực khác.

Cùng với E-Sports, các hoạt động thể thao giải trí như breaking, hiphop và thể thao thể chất số (Phygital Sports) và công nghệ kỹ thuật số (như bóng đá thể chất số, bóng rổ thể chất số, vũ đạo thể chất số) cũng đã nhận được sự quan tâm của một bộ phận thanh thiếu niên, có sự định hướng và quản lý của Hội thể thao điện tử giải trí, tạo nên sự phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Đại hội đã bầu 41 thành viên trong Ban Chấp hành, 13 Ủy viên thường vụ và 3 thành viên Ban Kiểm tra nhiệm kỳ IV (2024 - 2029). Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra đã họp bầu ra các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Ông Đỗ Việt Hùng đắc cử vị trí Chủ tịch VIRESA nhiệm kỳ mới. Đại hội cũng đã bầu 09 Phó Chủ tịch.

Thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện thể thao điện tử