“Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”

Thân Tình
Tiếp nối sự kiện chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp lần thứ 3, mới đây tại TP Bắc Ninh, Báo Xây dựng đã phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”.

“Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”

thuc-trang-va-giai-phap-chuyen-doi-nang-luong-xanh-kinh-te-xanh-nganh-cong-nghiep-dien-dan-du-lich-dulichvn-3-1716631776.jpg
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero). Có thể thấy, quá trình chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển.

Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này nhằm ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được. Bởi vì, theo tính toán, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức chỉ tăng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt mức này, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net zero vào năm 2050. Đây là một mục tiêu lớn cần nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

thuc-trang-va-giai-phap-chuyen-doi-nang-luong-xanh-kinh-te-xanh-nganh-cong-nghiep-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1716631776.jpg
Vương Quốc Tuấn - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đây sẽ là Diễn đàn chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tuần hoàn; cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp...về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Báo Xây dựng sẽ ghi nhận, tổng hợp các tham luận, ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng tại Diễn đàn để gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao vai trò và nỗ lực của các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh và đảm phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.

Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các cơ quan xây dựng và thực hiện chính sách; các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về triển khai thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính; các giải pháp xanh giảm phát thải; ứng dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; áp dụng giải pháp thiết kế cho công trình xây dựng để tận dụng tối các yếu tố có lợi của thiên nhiên; ứng dụng năng lượng tái tạo, thiết bị công nghệ phát thải các bon thấp; tiếp cận nguồn vốn xanh.

Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế…Đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất. Các giải pháp về quản lý, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính...đang được áp dụng ở Việt Nam.

thuc-trang-va-giai-phap-chuyen-doi-nang-luong-xanh-kinh-te-xanh-nganh-cong-nghiep-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-1716631776.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại sự kiện

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) và Quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành Xây dựng. Và hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các lĩnh vực phát triển của quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn, vượt qua các rào cản, để cùng nhau hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh cũng đã sớm định hướng cùng với tăng trưởng kinh tế là quan tâm đến bảo vệ môi trường, quan tâm đến văn hóa xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2007, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Chương trình nghị sự 21 về Chiến lược phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; đã xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, về chiến lược tăng trưởng xanh.

Bắc Ninh đã thể hiện quan điểm phát triển bền vững, kinh tế xanh trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm; và gần đây nhất là thể hiện trong Quyết định 1589 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định 728 về Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định; Theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 4/2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước.

thuc-trang-va-giai-phap-chuyen-doi-nang-luong-xanh-kinh-te-xanh-nganh-cong-nghiep-dien-dan-du-lich-dulichvn-5-1716631891.jpg
Quang cảnh diễn đàn

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế (cụ thể như: Vấn đề ô nhiễm công nghiệp làng nghề, vấn đề chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp,… ).

Tại Diễn đàn hôm nay, chúng tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho Bắc Ninh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh – để Bắc Ninh có thể là một hình mẫu tiêu biểu của cả nước về phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với các ý kiến tham luận sâu sắc; sự tâm huyết, trách nhiệm của các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các học giả, nhà khoa học, chắc chắn sẽ đưa ra được những định hướng, giải pháp mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển đổi năng lượng xanh – kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trong cả nước. Với tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, định hướng cụ thể để Bắc Ninh hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo.

“Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”

Nguồn: BXD