Giải pháp giúp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp 

Việt Trung
Xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các bên là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất, chế biến với phân phối tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, chưa chặt chẽ, chủ yếu thương vụ mua bán, còn thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ. Thông tin được nêu tại “Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” hôm 29/8.

Giải pháp giúp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp

“Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp đã diễn ra tại Hà Nội hôm 29/8.

tim-giai-phap-giup-nang-cao-hieu-qua-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-tai-viet-nam-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1724948783.jfif
Xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các bên là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực- thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ bức tranh tổng quát về thực trạng tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.

Theo TS Cấn Văn Lực, quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá (khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023) thì quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng còn rất nhỏ. Năm 2023, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%. Các đơn vị cung cấp chủ yếu vẫn là các NHTM, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều.

Sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) có nhiều rào cản đối với người nông dân khi tiếp cận. Đó là các NHTM thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi các sản phẩm tài trợ thương mại gồm tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… còn ít được áp dụng do tính chất rủi ro.

dien-dan-thuc-day-hop-tac-lien-ket-phat-trien-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-tai-viet-nam-1-dulichvn-1724949234.jpg
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Để khắc phục hạn chế nêu trên, đối với cơ quan quản lý, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới. Tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN). Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và DN có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Về thị trường, cơ quan nhà nước cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới; quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EU. UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất (đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi…).

Tại diễn đàn, ông Ngô Sỹ Đạt- Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, đã đề cao vai trò các hợp tác xã trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Hợp tác xã (HTX) có thế mạnh là có mạng lưới rộng khắp cả nước, tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. HTX là đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách của Nhà nước và các nguồn khuyến nông, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo hiểm cho nông dân, hỗ trợ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số.

tim-giai-phap-giup-nang-cao-hieu-qua-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-tai-viet-nam-dien-dan-du-lich-dulichvn-1-1724948832.jfif
Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh: TL minh hoạ

Hiện nay cả nước có 2.169 HTX làm chủ thể sản phẩm OCOP; hơn 1.000 HTX có hoạt động du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên (thu nhập trung bình 52 triệu đồng/năm) góp phần ổn định chính trị- xã hội địa phương.

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Sỹ Đạt đề xuất, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, tiếp tục hỗ trợ chương trình khởi nghiệp HTX; tiếp cận vay vốn tín dụng, đất đai... Đặc biệt là nhân rộng mô hình HTX vừa sản xuất vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); HTX đánh bắt thủy sản trên biển; bảo vệ nguồn lợi cộng đồng...; HTX sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, để tạo nguồn lực cho tài trợ chuỗi giá trị nông nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cũng đề xuất cần đa dạng hoạt động cung cấp dịch vụ SCF.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng thương mại lớn, có lợi thế về nguồn lực và khách hàng có thể xây dựng nền tảng kết nối các thành viên trong chuỗi cung ứng; thiết kế sản phẩm phù hợp, linh hoạt hơn về tài sản thế chấp.

Nâng cấp hạ tầng sản xuất kinh doanh

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường nông nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…

Ông Nguyễn Như Tiệp nhận định, Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng đầu, vị thế quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm thế giới: đứng thứ ba về sản xuất và xuất khẩu gạo (sau Ấn Độ và Thái Lan), thứ ba về sản xuất và xuất khẩu thủy sản (sau Trung Quốc và Na uy); thứ hai về sản xuất và xuất khẩu cà phê (sau Brazil); Top đầu về Chăn nuôi gia súc, gia cầm (thứ nhất về gia cầm, thứ hai về thủy cầm, và thứ năm về chăn nuôi lợn)

Hiện Việt Nam đang đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm đủ, đa dạng, an toàn, chất lượng cho người dân trong nước và XK sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch trên 53 tỷ USD- ông Nguyễn Như Tiệp cho hay.

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng chỉ ra rằng, giá thành, chi phí sản xuất, giá vật tư nông nghiệp, logistic còn ở mức cao; liên kết sản xuất, chế biến với phân phối tiêu dùng chưa chặt chẽ, vẫn chủ yếu là thương vụ mua bán, thiếu cơ chế hợp tác và chia sẻ…

Đưa ra giải pháp phát triển bền vững thị trường nông nghiệp, ông Tiệp kiến nghị, cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; Hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn với chuẩn mực quốc tế; Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất kinh doanh, vận chuyển.

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi số, AI phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái (hữu cơ, tuần hoàn...). Tổ chức vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ; chuẩn hóa chất lượng làm cơ sở xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu và truyền thông, quảng bá nâng cao uy tín nông sản Việt tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đào tạo nghề, phát triển phương án sản xuất kinh doanh gắn với công nghệ cao

Đưa ra các giải pháp để khuyến khích HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, ông Ngô Sỹ Đạt - Giám đốc Viện nghiên cứu thị trường và chế biến nông sản cho rằng: "Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX trong công tác đào tạo nghề, quản trị, phát triển phương án sản xuất kinh doanh".

Ngoài ra, ông Đạt cũng nhấn mạnh yếu tố khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với HTX nhằm hình thành mô hình sản xuất gắn với công nghệ cao.

Về cơ chế chính sách tham gia liên kết, ông Đạt cho rằng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn về sản xuất, chứng nhận, mã số vùng trồng, giảm phát thải, phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm chuỗi.

Cần phát triển thương hiệu nông sản và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các DN trẻ

Ông Nguyễn Quốc Toản- Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chuỗi giá trị nông nghiệp phải hướng đến sản xuất xanh tiêu dùng xanh, kinh tế, tiêu dùng số, chú ý đến truy xuất nguồn gốc, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp….

Để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, theo ông Toản, phải quan tâm mạnh mẽ đến các HTX, và việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các DN trẻ, khởi nghiệp; cùng với đó, các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh, tổ chức vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ, phát triển thương hiệu nông sản.