Trên thế giới hiện nay có khoảng 50 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ, trong đó có Việt Nam. Do căn bệnh Alzheimer (viết tắt là AD) là một dạng bệnh suy thoái thần kinh có diễn tiến liên tục, không thể đảo ngược, bệnh khởi phát từ sự chết của tế bào thần kinh tích tụ qua nhiều năm.
Khi mang bệnh Alzheimer, bệnh nhân AD có thể đối mặt với những suy giảm trầm trọng ở khả năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và khả năng tự chăm sóc bản thân. Kèm theo đó là chi phí điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Alzheimer về lâu dài gây nên một áp lực kinh tế vô cùng lớn cho bản thân gia đình người bệnh cũng như các nền kinh tế trong đó có tỷ lệ người mắc bệnh Alzheimer cao. Các quốc gia đều thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học của việc điều trị và can thiệp sớm bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh Alzheimer. Các phương pháp chẩn đoán hiện tại hầu hết chỉ dựa vào đánh giá nhận thức và sự thay đổi của cấu trúc não. Cc phương pháp này chỉ có thể phát hiện giai đoạn muộn của bệnh, khi các triệu chứng lâm sàng đã biểu hiện và tổn thương não không còn phục hồi được, vì hầu hết các liệu pháp điều trị hiện nay chỉ nhắm vào giai đoạn muộn và đã được chứng minh là không đem lại hiệu quả.
Đề án của TS. Thanh Hương tập trung vào việc sử dụng những dấu ấn sinh học có trong huyết tương đầy triển vọng được dùng cho chẩn đoán Alzheimer là protein tau được phosphoryl hoá (p-tau). P-tau là một thành phần quan trọng kích hoạt sự hình thành của đám rối tơ thần kinh nội bào, vốn là một cơ chế bệnh sinh quan trọng của bệnh Alzheimer.
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào hướng tới việc phát triển một xét nghiệm kết hợp hóa chất miễn dịch và hạt nano để chẩn đoán sớm AD sử dụng mẫu huyết tương.
Vì thế, nghiên cứu của TS. Hà Thị Thanh Hương nhắm đến việc áp dụng một xét nghiệm siêu nhạy đã được xác minh là hoạt động hiệu quả với p-tau 181, một dấu ấn sinh học AD có nồng độ thấp trong máu là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng.
Bằng cách áp dụng các nguyên tắc điện hóa, phương pháp này rất tiềm năng trong việc mang lại độ chính xác cao với giới hạn phát hiện và định lượng tối thiểu, đảm bảo phát hiện được sự thay đổi nồng độ p-Tau trong mẫu máu dù là nhỏ nhất để phân biệt bệnh nhân AD với nhóm chứng.
Nhóm nghiên cứu của TS. Hương cũng đã kết nối với các bệnh viện hàng đầu về sa sút trí tuệ tại Việt Nam như Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm nghiên cứu chẩn đoán phân tử từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tại Việt Nam.
Trước đó, TS. Hà Thị Thanh Hương là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao tặng giải thưởng Early Career Award năm 2020 của Tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế (International Brain Research Organization) có trụ sở tại Pháp.