Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, đề cao và tôn trọng cam kết quốc tế

Minh Hoàng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt trong hoàn thiện thể chế, đề cao và thực sự tôn trọng các cam kết quốc tế với quyết tâm chính trị cao. Bài viết trên báo Chính Phủ

Chiều 27/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN Jens Rübbert chúc mừng Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng đạt gần 5,7% năm 2023, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN cũng đánh giá cao định hướng phát triển xanh, bền vững của Chính phủ Việt Nam, khẳng định các doanh nghiệp EU có thể đóng góp vào tiến trình tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Dẫn kết quả khảo sát hồi đầu năm 2024 của Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN, ông Jens Rübbert cho hay các doanh nghiệp châu Âu có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Các doanh nghiệp của Việt Nam và EU cũng tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng từ khoảng 35 tỷ EURO năm 2019 lên hơn 48 tỷ EURO năm 2023.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Dominik Meichle đánh giá cao những kết quả điều hành của Chính phủ; khẳng định EuroCham, với 1.300 doanh nghiệp thành viên, sẽ có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu sang EU và các thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Ông Dominik Meichle cho rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn về du lịch, nhất là tiềm năng về du lịch chữa bệnh, mong muốn Việt Nam xem xét nới lỏng chính sách thị thực để thu hút thêm du khách từ châu Âu.

Các doanh nghiệp châu Âu tham dự buổi tiếp đều bày tỏ niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam; mong muốn các bộ, ngành Việt Nam cập nhật thông tin về chính sách thuế, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, lộ trình triển khai Quy hoạch Điện 8, chính sách thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế mua bán điện trực tiếp, bảo hiểm y tế đối với nhóm dễ tổn thương, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng không.

Đối với lĩnh vực thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 508/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Trong lộ trình cải cách hệ thống thuế, năm 2024 Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung 3 luật về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm phù hợp thông lệ và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Về chuyển đổi năng lượng, Việt Nam và các nước đối tác đã công bố Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tháng 12/2022, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ, đưa Việt Nam trở thành nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia thông qua Tuyên bố JETP với các đối tác.

Với thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính có trách nhiệm đàm phán, tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phối hợp cùng các các nhà tài trợ để xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng do đó nhu cầu vốn rất lớn.

Về Quy hoạch Điện 8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh ngay sau Hội nghị COP26, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản để thúc đẩy quá trình phát triển xanh và bền vững, trong đó có Quy hoạch Điện 8.

Quy hoạch đặt mục tiêu giảm dần năng lượng hóa thạch đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, trong đó công suất điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho hay, trong quá trình xây dựng cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương phối hợp với các đối tác trong nghiên cứu kinh nghiệm phát triển, quản lý, huy động vốn, đào tạo nhân lực để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng lớn này của Việt Nam.

Về bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Việt Nam đã đạt trên 93% dân số.

Chính phủ đã giao Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế theo hướng với nhiều điểm mới như bổ sung đối tượng tham gia, mở rộng diện chi trả bảo hiểm y tế…

Về lĩnh vực hàng không, Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Anh Tuấn mong các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực hàng không tham gia phát triển cảng hàng không và hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình chuyển đổi để giảm phát thải trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Việt Nam là nước thành viên ASEAN duy nhất thiết lập tất cả các trụ cột hợp tác với EU. Hai bên đang triển khai hiệu quả 4 thỏa thuận hợp tác và 8 cơ chế đối thoại để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.

Để tiếp tục phát triển và mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư, Việt Nam đang nỗ lực tận dụng tối đa lợi thế riêng có của mình (là điểm đến đầu tư hấp dẫn); bắt nhịp với xu thế phát triển chung của thế giới (tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…); tối ưu hóa lợi ích quốc gia; đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt trong hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện phát triển của mình và cam kết quốc tế; đề cao và thực sự tôn trọng các cam kết quốc tế với quyết tâm chính trị cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ với mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư là chất lượng nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã và sẽ triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao như thành lập Trường Đại học Việt-Đức và sắp tới là Trường Đại học Việt-Pháp, hay hợp tác với các doanh nghiệp FDI như Samsung, Intel, LG để đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp EU hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực đang là xu thế phát triển của thế giới, để vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của chính các doanh nghiệp vừa giúp sinh viên Việt Nam vừa học kết hợp với thực hành ngay tại nhà máy.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Phải hồi ý kiến của các doanh nghiệp EU về thuế đối với rượu, bia, Phó Thủ tướng cho biết đây là ngành Việt Nam không khuyến khích nhưng cũng không cấm dù ngành này giúp các địa phương tạo được nguồn thu lớn.

Trong diễn biến mới nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng cho mọi người tham gia giao thông.

Phó Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, với niềm tin vào triển vọng phát triển của Việt Nam, sẽ luôn là những người bạn đồng hành với quá trình phát triển, vươn lên của Việt Nam./.

Nguồn: http://baochinhphu.vn/viet-nam-tiep-tuc-hoan-thien-the-che-de-cao-va-ton-trong-cam-ket-quoc-te-102240627201306703.htm