3 kịch bản tăng trưởng của du lịch Thủ đô năm 2021

Minh Anh (thực hiện)
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Hà Nội đã đặt ra 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2021. Theo đó, quyết tâm đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ ngành du lịch là những nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu đạt được mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.

Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Nhân dịp Tết Tân Sửu, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội về kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2021, nhằm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội về giải pháp tăng trưởng du lịch Hà Nội trong bối cảnh sụt giảm do dịch bệnh COVID-19, cũng như thực hiện các nhiệm vụ phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Theo bà Đặng Hương Giang, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, đã làm cho ngành du lịch Thủ đô bị tác động nghiêm trọng, các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm, nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh, tài chính và lao động, giải quyết hủy hoãn dịch vụ...; ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển của ngành phục vụ phát triển KT-XH Thủ đô.

Năm 2020, Hà Nội đón khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc thôi không hoạt động.

Trong hai đợt bùng phát dịch năm 2020, đã có 159 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế và 08 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa xin rút giấy phép hoạt động kinh doanh; có khoảng 90% số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động; trên 95% doanh nghiệp vận chuyển ô tô trong ngành du lịch (tương đương với 33 doanh nghiệp) tạm dừng hoạt động; 950/3.587 cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 sao - 5 sao ước đạt khoảng 29,9%, giảm 38% so với năm 2019; có khoảng 40.928 lao động tạm thời nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc khác (cơ sở lưu trú 19.900 người, lữ hành 11.168 người, vận chuyển 1.100 người, điểm đến du lịch 3.000 người, hướng dẫn viên 5.760 người). Trong bối cảnh đó, ngành du lịch Hà Nội đã nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tác động của dịch, kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa; các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, năng lực quản trị.

Từ cuối tháng 01/2021, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp. Đối với hoạt động lữ hành, nhiều du khách đang hủy các tour dịp Tết, dịp sau Tết, cá biệt có khách hủy cả tour dịp tháng 3, tháng 4 do lo ngại dịch bệnh COVID-19. Theo báo cáo nhanh của 25 đơn vị lữ hành, đã có 6.300 khách hủy tour do lo ngại dịch bệnh COVID-19; công suất phòng bình quân khối khách sạn trong tuần đầu tháng 2 ước chỉ đạt 22,1%.

Cùng với khó khăn đó thì ngành du lịch Hà Nội vẫn còn những khó khăn như chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, hệ thống nhà hàng, ẩm thực, cơ sở mua sắm chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách. Bên cạnh đó, tiến độ một số đề án, dự án phát triển du lịch triển khai còn chậm, nhất là các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp...

Tại cuộc họp với ngành du lịch Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu ngành du lịch phải thực hiện việc tái cơ cấu trong điều kiện mới và nếu không hành động quyết liệt, ngay, nhanh sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của Thành phố từ 7,5-8% trong năm 2021. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, hiện nay, Sở Du lịch đang tập trung xây dựng Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo nhằm thực hiện cơ cấu lại toàn diện ngành du lịch Thủ đô; theo các trọng tâm là xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - kỹ thuật phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức hút đối với khách du lịch. Đặc biệt, trong phạm vi vai trò của cơ quan quản lý, năm nay ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, chú trọng công tạo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao.

Để ứng phó với tình hình thực tế, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô đã lập kế hoạch, trình UBND Thành phố để phục hồi và phát triển du lịch năm 2021 theo tinh thần tập trung mọi nỗ lực thu hút khách nội địa, bao gồm tổ chức cho khách Hà Nội đi tham quan ở các nơi khác. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường du lịch mở cửa lại phải đáp ứng được yêu cầu du lịch quốc tế. Năm 2021, Sở Du lịch tập trung có chính sách thu hút khách từ các tỉnh về Hà Nội, khách của Hà Nội đi các tỉnh, có gói sản phẩm phù hợp từng đối tượng; có kế hoạch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm vóc, trong đó có sự kiện liên quan SEA GAMES 31; tổ chức các festival, lựa chọn Đại sứ du lịch cho Hà Nội, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao tầm khu vực tại Thành phố.

Bà Đặng Hương Giang cho biết: Trên cơ sở các dự báo và xem xét đánh giá, so sánh kết quả ngành du lịch Thủ đô đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, thực tế diễn biến dịch COVID-19 trong những tháng qua, ngành du lịch đã xây dựng 3 kịch bản phát triển trong năm 2021, bám rất sát tình hình thực tế. Trong đó, ngành du lịch kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất về thu hút khách du lịch nội địa cho năm 2021 với mức từ 11 triệu lượt khách đến 15 triệu lượt khách, bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020. Các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn mở cửa trở lại hoạt động bình thường. Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt trên 45%.

Để đạt được những mục tiêu trên, năm 2021 du lịch Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử; trọng tâm là hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam triển khai quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên kênh VTV1 (VTV Travel) và chương trình kích cầu, quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh HTV; xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới kích cầu du lịch nội địa; tập trung xây dựng, triển khai các chuỗi sự kiện lễ hội du lịch đặc sắc, nổi bật như: Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021; Festival Áo dài Hà Nội; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội... Đồng thời tổ chức các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá chương trình du lịch kích cầu nội địa tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm như: TPHCM, TP. Cần Thơ...

Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khai thác và phát huy thế mạnh giá trị văn hóa, nâng tầm thành các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng. Theo đó tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch di sản: Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò…; phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc..; tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao) tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch để xây dựng chương trình văn nghệ đặc trưng của Thủ đô - Dấu ấn Thủ đô nghìn năm văn hiến; các sự kiện khôi phục các nét văn hóa dân gian như: Cảm xúc Hà Nội, tinh hoa tết Việt tại các điểm di tích văn hóa lịch sử như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long...

Trước tình hình dịch bệnh quay trở lại cuối tháng 1 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội có công văn gửi các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn Thành phố yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch COVID-19, chủ động các phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch, xây dựng bảo đảm các phương án về an ninh, an toàn cho người lao động và khách du lịch. Các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch cần thông báo kịp thời những trường hợp khách có biểu hiện mắc COVID-19 và hành trình di chuyển của các đoàn khách đi, về từ vùng có dịch với cơ sở y tế địa phương. Sở Du lịch Hà Nội cũng đã yêu cầu hoạt động vận chuyển khách du lịch phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.

"Tin tưởng vào những tiềm năng lớn của Du lịch Thủ đô, chúng tôi quyết tâm bám sát tình hình và chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và thành phố Hà Nội, thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ, vừa bảo đảm an toàn chung tay cùng Thành phố và cả nước phòng chống dịch, đồng thời tập trung các giải pháp để khai thác hết tiềm năng, dư địa sẵn có và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của thành phố Hà Nội. Trong bối cảnh hiện nay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động, thiết chế văn hóa liên quan đến du lịch; có chính sách về thuế, phí, rà soát mức phí và giá phù hợp; nâng cao dịch vụ, chất lượng dịch vụ sẽ là những ưu tiên hàng đầu", bà Đặng Hương Giang nói.

https://baochinhphu.vn/Du-lich/3-kich-ban-tang-truong-cua-du-lich-Thu-do-nam-2021/422805.vgp