Công dân tiêm vắc-xin Sinovac và các loại vắc-xin trong danh sách khẩn cấp của WHO được công nhận là tiêm chủng đầy đủ tại Singapore

Thái Quỳnh
Bộ Y tế Singapore cho biết, công dân tiêm vắc-xin Sinovac và các loại vắc-xin phòng COVID-19 khác thuộc danh sách khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn được tính vào diện tiêm chủng đầy đủ kể từ ngày 10/8.
tiem-vacxin-dulichvn-1628763752.jpg
Bên cạnh các mũi tiêm Pfizer và Moderna, còn có 5 loại vắc xin Covid-19 khác được phê duyệt theo danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO. ẢNH: ST FILE

Điều này có nghĩa là những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin Sinovac, Sinopharm hay AstraZeneca, và trải qua 2 tuần kể từ thời điểm hoàn thành liều thứ 2, cũng sẽ được hưởng một số quyền tự do sinh hoạt nhất định dành cho nhóm công dân đã tiêm chủng đầy đủ, ví dụ được phép ăn theo nhóm đông người hơn tại các cửa hàng ăn uống, hoặc được tự do di chuyển.

Bộ Y tế Singapore cho biết Singapore đang có hướng tiếp cận “toàn diện” hơn trong việc công nhận các loại vắc-xin được phê duyệt trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

Đây là lần đầu tiên những người tiêm vắc-xin không sử dụng công nghệ mRNA thỏa điều kiện để hưởng các quy định ưu tiên vốn chỉ có hiệu lực đối với công dân đã tiêm chủng vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna thuộc chương trình tiêm chủng quốc gia.

Phát biểu tại một buổi họp báo của Lực lượng Đặc nhiệm Liên bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore, ông Ong Ye Kung nói: “Điều quan trọng hiện nay là sự khác biệt giữa người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng, chứ không phải giữa việc tiêm chủng vắc-xin nào.”

Ông cũng cho rằng WHO là một tổ chức chuyên môn tin cậy “được nhiều nước công nhận”.

WHO đặt ra ngưỡng hiệu quả 50% cho các loại vắc-xin được phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Vì vậy, đã có một số đảm bảo nhất định về tiêu chuẩn tối thiểu và đã được xác minh. Tính tới 5/8, 78% dân số Singapore đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc-xin phòng COVID-19 trong chương trình tiêm chủng quốc gia. 2/3 trong số này đã tiêm đủ 2 liều.

Theo kế hoạch, Ngày Quốc khánh Singapore (9/8) sẽ ghi nhận cột mốc 70% dân số tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Ông Ong cho biết kết quả này sẽ giúp cho Singapore trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, đạt được “vị thế vững chắc” để bắt đầu chuyển sang giai đoạn “sống chung với COVID-19”.

BỆNH NHÂN ĐÃ TIÊM ĐỦ 2 LIỀU VẮC-XIN SẼ ĐƯỢC XUẤT VIỆN SỚM HƠN

Tham chiếu trên báo cáo về các quy trình quản lý y tế hiện hành, các bệnh nhân đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ được xuất viện trong vòng 10 ngày tính từ lúc bắt đầu cách ly – nếu kết quả xét nghiệm bằng tăm bông là âm tính hoặc có tải lượng vi-rút “rất thấp”.

Bộ Y tế Singapore đưa ra các bằng chứng cho thấy các trường hợp đã tiêm chủng có khả năng hồi phục trong vòng 10 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.

Trong trường hợp các bệnh nhân không đạt đủ điều kiện nêu trên, họ vẫn sẽ được xuất viện sau 14 ngày cách ly mà không cần phải thực hiện thêm xét nghiệm nào khác, nhưng phải tự cách ly thêm 7 ngày.

Bộ Y tế Singapore cho biết, “Hướng tiếp cận này nhằm đảm bảo các ca nhiễm sẽ không lây lan vi-rút đến người thân và cộng đồng sau khi xuất viện.”

Trong vòng 28 ngày vừa qua, trong số 80 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng có diễn biến nặng, chỉ có 8 ca đã được tiêm chủng đủ 2 liều vắc-xin trước đó.

TIÊM CHỦNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Bộ Y tế Singapore vẫn “tiếp tục quan ngại” những người cao tuổi chưa được tiêm chủng có nguy cơ trở nặng hơn nếu bị lây nhiễm.

Hiện tại, 76% nhóm người trên 70 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và 82% trong số đó đã tiêm ít nhất 1 mũi.

Bộ Y tế Singapore cho biết, “Vẫn còn khoảng 80.000 người trong nhóm này chưa được tiêm chủng. Vì đây là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao và bệnh diễn tiến nặng, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp họ hoàn thành việc tiêm chủng.”

Ông Ong cho biết những người cao tuổi hiện chưa được tiêm chủng thuộc hai nhóm: nhóm không đạt điều kiện y tế để tiêm chủng và nhóm không thể di chuyển ra khỏi nơi cư trú.

Ông Ong nói rằng phần lớn những người không đạt điều kiện y tế đều có thể tiến hành tiêm chủng từ bây giờ, tham chiếu trên các bằng chứng mới từ “hàng triệu trường hợp tiêm chủng” toàn cầu cũng như những khuyến nghị từ uỷ ban chuyên gia về vắc-xin phòng COVID-19 của Singapore. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe đang triển khai các buổi chăm sóc y tế định kỳ dành cho những người cao tuổi, nhằm tạo điều kiện cho các bác sỹ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe, và khuyến nghị việc những người này có được tiêm chủng hay không.

Với các đối tượng không thể di chuyển khỏi nơi cư trú, Bộ Y tế Singapore sẽ tăng cường nguồn lực để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng tại nhà đang gia tăng.

Ông Ong cho biết, “Nhu cầu này rất lớn và đang gia tăng, và thời gian chờ tính đến hiện tại là khoảng 8 tuần. Singapore sẽ cần thêm nhân lực để giảm thời gian chờ xuống.”

Ông Ong cũng kêu gọi các tình nguyện viên tham gia các đội tiêm chủng tại nhà, mỗi đội gồm có một bác sỹ và một y tá.

Bộ Y tế Singapore cảnh báo rằng mặc dù đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, Singapore vẫn có nguy cơ đối mặt với trường hợp mắc bệnh sau khi tiêm chủng và số lượng ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong cộng đồng.

Bộ Y tế Singapore cho biết, “Tuy nhiên, khi phần lớn dân số đã được bảo vệ nhờ tiêm chủng, số ca nhập viện và phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt sẽ được duy trì ở mức thấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm soát tình hình, đặc biệt là tỷ lệ bệnh trở nặng do nhiễm COVID-19 trong giai đoạn tiến hành các kế hoạch mở cửa trở lại.”

Người bị dị ứng với liều vắc-xin mRNA đầu tiên nếu tiêm đủ 2 liều vắc-xin Sinovac sẽ được xem là hoàn thành việc tiêm chủng tại Singapore

Tại cuộc họp quốc hội ngày 3/8, ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ Y tế Cấp cao Singapore khuyến nghị người dân có dấu hiệu bị dị ứng sau khi tiêm liều vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna phòng COVID-19 đầu tiên có thể tiếp tục hoàn thành việc tiêm chủng với vắc-xin Sinovac.

Người dân thực hiện việc tiêm chủng phòng COVID-19 theo các điều kiện trên sẽ được xem là hoàn thành tiêm chủng.

Tiến sỹ Puthucheary cho biết, Bộ Y tế Singapore đã thiết lập một chương trình sức khỏe cộng đồng dành cho những người dân kể trên khi đến tiêm chủng tại các bệnh viện công để được giám sát tốt hơn dựa trên tình trạng dị ứng sau khi tiêm liều đầu tiên.

Vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna được cấp phép sử dụng trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia là loại vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA. Các vắc-xin này “dạy” cho các tế bào cơ thể cách sản sinh ra một protein, từ đó kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể bên trong cơ thể.

Đây là sự khác biệt so với vắc-xin Sinovac, được biết đến với tên gọi CoronaVac, sử dụng các vi-rút corona bất hoạt đã bị tiêu diệt để kích hoạt khả năng bảo vệ kháng thể của cơ thể. Vắc-xin Sinovac được cấp phép lưu hành tại Singapore thông qua lộ trình tiếp cận đặc biệt, sau khi được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bộ Y tế Singapore cho biết người dân nào đã tiêm một liều vắc-xin mRNA phòng COVID-19 nhưng không thể tiêm liều thứ hai vì có dấu hiệu bị dị ứng có thể đợi để tiêm loại vắc-xin không sử dụng công nghệ mRNA mà Bộ đang lên kế hoạch đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Nếu các đối tượng này có nhu cầu tiêm vắc-xin Sinovac theo lộ trình tiếp cận đặc biệt, họ có thể tham gia các chương trình chuyên biệt được triển khai vào đầu tháng 7 tại các bệnh viện công để được giám sát tốt hơn khi có tác dụng phụ xảy ra.

Chương trình này được lập ra dựa trên tình hình dị ứng của người dân với vắc-xin sau khi tiêm liều đầu tiên và sự thiếu hụt các dữ liệu đánh giá an toàn khi tiêm vắc-xin Sinovac sau khi đã tiêm một liều vắc-xin mRNA trước đó.

Bộ Y tế Singapore cho biết những công dân này sẽ tiêm 2 liều vắc-xin Sinovac.

Kể từ ngày 28/7, Bộ Y tế Singapore đã liên hệ khoảng 5.000 người dân thuộc nhóm này. Trong đó, có hơn 2.000 người đồng ý với chương trình mà Bộ đề ra.

“Khi các công dân tham gia chương trình này và tiêm đủ 3 liều vắc-xin phòng COVID-19, họ sẽ được xem như đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

“Bộ Y tế Singapore sẽ làm việc với những công dân này để theo dõi phản ứng miễn dịch của họ và tìm hiểu kỹ hơn về chiến lược tiêm chủng vắc-xin phối hợp này.”